Theo tờ Business Insider, nhiều loại xe tăng chiến đấu và xe bọc thép được cung cấp cho quân đội Ukraine như Abrams và Bradley của Mỹ và Leopard của Đức, hay các xe tăng hàng đầu của Nga như T-90M đã trở thành “nạn nhân” trong các cuộc tấn công bằng UAV cảm tử của đối phương. Trong nhiều trường hợp, những vũ khí tối tân trị giá hàng triệu USD lại bị hạ gục chỉ bằng chiếc UAV có giá chỉ vài trăm USD.
Mối đe dọa từ UAV khiến các phương tiện chiến đấu ở Ukraine cần được trang bị "lồng đối phó" để ngăn chặn UAV lao tới tấn công. Một số mẫu "lồng đối phó" ban đầu trông khá trông thô sơ và kém hiệu quả, nhưng các mẫu gần đây đã chắc chắn và tinh tế hơn. Theo giới chuyên gia, những diễn biến trong xung đột ở Ukraine cho thấy hệ thống UAV chính là vũ khí quyết định trong các cuộc chiến trong tương lai.
Ông Mark Cancian, Đại tá Thủy quân lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu và đang là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định sự xuất hiện của các “lồng đối phó” đã có trước khi xung đột Ukraine bùng nổ, khi Mỹ trang bị các lồng xung quanh xe chiến đấu bọc thép Stryker ở Iraq và Afghanistan để ngăn chặn lựu đạn phóng bằng tên lửa của đối phương.
“Hiện tại, với sự phổ biến của UAV, các lồng bảo vệ giờ đây sẽ trở thành một phần vĩnh viễn của xe bọc thép", ông Cancian nói.
Hồi tháng 5, mạng xã hội lan truyền bức ảnh một chiếc xe tăng M1A1 Abrams do Mỹ cung cấp cho quân đội Ukraine cũng được trang bị lồng tự chế. Chiếc lồng được hàn xung quanh các cạnh và đỉnh tháp pháo, giúp xe tăng có khả năng phòng thủ bên ngoài khỏi các UAV góc nhìn thứ nhất (FPV). Abrams hiện được coi là xe tăng tốt nhất mà Ukraine nhận được từ các đồng minh phương Tây.
Ông Mick Ryan, Thiếu tướng quân đội Australia đã nghỉ hưu và là chiến lược gia theo dõi các xu hướng chiến tranh, cho rằng "không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta thấy lồng bảo vệ chống UAV phía trên Abrams, hay mọi xe tăng khác vào thời điểm này”.
“Người Ukraine thông minh, họ có khả năng thích ứng, và đang tìm ra những cách tốt hơn để bảo vệ bản thân, cũng như duy trì sức mạnh chiến đấu”, ông nói thêm, Ukraine không phải là bên duy nhất tìm cách thích nghi, mà quân đội Nga cũng đang triển khai phương tiện gọi là "xe tăng rùa".
Hình ảnh xe tăng và xe bọc thép của Ukraine hay Nga như T-64, T-72, T-80, và T-90 trang bị "lồng bảo vệ" đã xuất hiện thường xuyên hơn, khi các cuộc tấn công bằng UAV FPV trở nên phổ biến hơn.
Để bảo vệ các phương tiện chiến đấu, quân đội Nga và Ukraine còn sử dụng các thiết bị tác chiến điện tử để gây nhiễu, hoặc cản trở UAV đối phương đang bay tới. Đây cũng là một phần quan trọng trong cuộc chiến chống UAV.
Theo thời gian, "lồng bảo vệ" được thiết kế vẻ phức tạp hơn và mang lại hiệu quả cao hơn trong chiến đấu. Các mẫu bảo vệ ban đầu dường như chỉ che phủ những khu vực cụ thể của xe như phần trên, trong khi hai bên và phía sau lộ ra ngoài.
Điển hình, chiếc "lồng bảo vệ" mới trang bị cho xe tăng Abrams của quân đội Ukraine dường như được thiết kế với 2 mục đích gồm bổ sung thêm lớp bảo vệ, và tăng khả năng sống sót của tổ lái.
Còn hiện tại, UAV đang là mối đe dọa lớn nhất. Những tác động của thiết bị này trong xung đột ở Ukraine đang thay đổi cách quân đội nhiều nước nghĩ về chiến tranh.
Ở Iraq và Afghanistan, quân đội Mỹ đã có thể thích ứng với mối đe dọa từ các thiết bị nổ tự chế tàn phá phần gầm của các phương tiện. Giờ đây, từ bài học sử dụng UAV ở Ukraine, Mỹ sẽ có những cải tiến đối với xe tăng Abrams và xe chiến đấu Bradley trong tương lai.
Ông Cancian giải thích, UAV hay vũ khí chống tăng sẽ hiện diện ngày càng nhiều và lâu dài trong chiến tranh, nên những chiếc lồng hoặc tính năng bảo vệ tương tự sẽ trở thành phần cố định trong thiết bị của xe.
“Trong tương lai, bạn sẽ thấy xe tăng được tích hợp sẵn lồng bảo vệ, hoặc sẽ có một bộ tiêu chuẩn để lắp vào phương tiện”, ông Cancian cho hay.
Ngoài chống UAV, các "lồng bảo vệ" trên xe tăng và thiết giáp còn nhằm ngăn chặn tên lửa chống tăng và pháo binh đối phương tấn công. Thậm chí, Nga đã dùng lồng bảo vệ trước cả thời điểm UAV được sử dụng rộng rãi để ngăn tên lửa Javelin do Mỹ cung cấp cho Kiev.