Lỗi ứng xử nghiêm trọng của người làm về văn hóa
Độc giả Yloan cho rằng: “Chuyện ai đúng ai sai Nhạc viện sẽ xử lý theo thẩm quyền. Có điều lâu nay tưởng chỉ nghệ sĩ, ca sĩ mới lùm xùm lăng xăng các kiểu; nay đến cả thầy cô của họ cũng có hành động như cô giáo - NSƯT này thì khó coi thiệt. Giận mất khôn, hành động với đồng nghiệp như vậy, sau này đứng lớp giảng dạy có lẽ uy tín rơi rụng khá nhiều”.
Bạn Lệ Quyên gay gắt nói: “Lưu Thiên Hương đã quay video mà Minh Huyền vẫn dám ném điện thoại thì nếu Lưu Thiên Hương không quay chắc lao thẳng vào túm tóc đánh''.
Đồng tình với những ý kiến trên, một số độc giả đề nghị phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc với NSƯT Minh Huyền:
“Giảng viên xuống cấp đạo đức. Đấu khẩu không xong thì đấu võ thôi. Thầy cô giáo đánh học sinh thì gọi là dạy dỗ. Giáo viên ''choảng'' nhau gọi là dạy đồng nghiệp” - bạn Mạnh Hà Nông.
“Minh Huyền là một nghệ sĩ ưu tú là phái đẹp phải dịu dàng, duyên dáng, tại sao lại tính hổ mang hổ lửa như vậy. Theo tôi, cần tước bỏ danh hiệu của Minh Huyền” - bạn Trọng Nguyễn Hữu.
“Làm thầy, cô mà có hành vì chợ búa thì đào tạo ra cái gì. Đề nghị nhà trường nghiêm túc xem xét lại, không nên bố trí người thiếu chuẩn mực đứng trên bục giảng” - bạn Nguyen Binh.
“Giảng viên chính thức, NSƯT mà như thế nên kỷ luật và loại khỏi môi trường giáo dục của trường học” - bạn Nguyễn Hữu Bình.
Độc giả Sinh Tran bình luận: “Nếu không làm sai thì sợ gì khi bị người khác quay, tất cả camera trên thế giới có mục đích chính là ghi lại cảnh sai phạm của con người. Nghệ sĩ ưu tú mà không xứng đáng với danh hiệu. Suốt gần 20 năm ngồi ghế nhà trường mà tôi chưa gặp giáo viên nào cộc cằn thô lỗ như vậy. Đã là giáo viên phải có đạo đức tốt, mà đạo đức tốt sẽ có cách xử lý văn minh, rõ ràng hành động ném điện thoại về phía người khác là đáng lên án, thậm chí có thể gây thương tích”.
Còn người đọc Ha Nguyen Thai kiến nghị: “Rất cần và mong sự việc được xử lý nghiêm túc. Cả việc nhận thức, đánh giá của Nhạc viện TP.HCM. Mức xử lý khiển trách chưa thỏa đáng, hời hợt, đơn giản... như vậy rất đáng lo ngại trong môi trường giáo dục, nhất là với lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Hành vi vi phạm của giảng viên thật đáng sợ, cứ như giang hồ chứ không phải là giáo viên, nghệ sĩ”.
Bạn Nguyễn Tú thể hiện quan điểm: “Một khi đất nước phát triển vai trò của đội ngũ cán bộ công chức rất quan trọng. Họ chính là lực lượng gương mẫu đi đầu làm thay đổi văn hoá, văn minh của xã hội. Trong bất cứ hoàn cảnh nào phải xử sự chuẩn mực, nếu không sẽ bị loại bỏ, đó là cách ứng xử chuyên nghiệp trong thời đại hiện nay”.
Cần xử lý cả hai nhân vật chính
Trong khi đó, không ít người nhận xét rằng sự việc đáng lẽ là đơn giản lại thành ra ồn ào vì cách xử lý hiếu thắng, “hơn - thua” của hai nhân vật chính.
Bạn Trần Vĩnh Hà bày tỏ: “Nên xử lý thật nghiêm cả hai, trong môi trường giáo dục cần cư xử cho đúng mực, lại còn là nghệ sĩ - người của công chúng nữa”.
Độc giả Hailevan215gmail.com cho rằng: “Tôi không biết về âm nhạc lắm và cũng không hiểu sự tình. Nhưng nếu các sinh viên đó của Minh Huyền thì cô ấy sẽ có quy tắc riêng. Ví dụ nếu cho một em sinh viên master nhạc beat để trình diễn thì phải cho tất cả làm vậy. Nếu không, mọi sinh viên đều phải hát nhạc beat chưa được master, không có chuyện em có, em không. Chẳng hạn như Lưu Thiên Hương không dạy môn học đó mà lại ‘chọc ngoáy’, ý kiến thì tôi nghĩ Lưu Thiên Hương cũng chả đúng. Ta cần nghe từ hai phía”.
Theo bạn đọc có nickname Loicutave803gmail.com: “Quay video không xin phép là vi phạm trước, tác dụng chính là khiêu khích cơn giận. Ngành văn hoá nên giáo dục thêm để chị Lưu Thiên Hương hiểu và sống chân thành, đơn giản hơn”.
Độc giả Ngô Đức nêu ý kiến: “Nên xem động cơ của Lưu Thiên Hương, chịu đau để có bằng chứng. Quay video không xin phép, kích động cãi cọ đến mức người khác quăng mọi thứ có thể vào mặt. Tự đăng hình ảnh giáo viên đánh nhau lên mạng xã hội là coi thường nhà trường”.
Không tán thành động thái xin nghỉ việc của nhạc sĩ Lưu Thiên Hương, người đọc Nguyễn Bùi Gia Minh nhấn mạnh: “Hành xử như này cũng không khác gì người ném điện thoại. Đăng sự việc lên mạng xã hội, vì lý do cá nhân mà nghỉ giảng ngay lập tức, thiệt thòi là sinh viên...”.
Thể hiện một góc nhìn tương tự, bạn Khải Quang phân tích: “Tôi thấy Lưu Thiên Hương đang vào vai nạn nhân rất hoàn hảo. Nói thật, ở đâu cũng có những bất đồng giữa các đồng nghiệp, sự việc này chỉ là kết cục của các mâu thuẫn. Vẫn biết rằng NSƯT Minh Huyền hành động như vậy là sai và rất xấu trong môi trường giáo dục nghệ thuật nhưng Lưu Thiên Hương chọn cách nghỉ làm (vì không thể làm việc khi có Minh Huyền) là cô ta đang hướng dư luận về phía đối phương. Nếu không đủ cứng cáp và tỉnh táo tôi nghĩ Minh Huyền mới là người gục ngã vì búa rìu dư luận. Dù gì Lưu Thiên Hương cũng nhiều fan hơn Minh Huyền”.
Tuy nhiên, bạn Thủy Nguyễn có ý bênh vực Lưu Thiên Hương vì: “Không quay lấy gì làm bằng chứng? Trường hợp Lưu Thiên Hương đăng lên mạng là do đã có đơn gửi qua email, nhưng lãnh đạo nhà trường không phản hồi. Hơn nữa, cô Minh Huyền cũng không có động thái gì (xin lỗi) sau khi sự việc xảy ra’.
Độc giả Lê Trung Thắng đưa ra ý kiến khá toàn diện: “Thứ nhất, Minh Huyền ứng xử khi ném điện thoại vào Lưu Thiên Hương như vậy là rất sai vì mình là người lớn, là giảng viên và còn là NSƯT nên trong mọi trường hợp phải kiềm chế. Thứ hai, Lưu Thiên Hương đưa Minh Huyền lên Facebook cũng rất sai vì mình là giảng viên và Minh Huyền cũng là giảng viên. Hai giảng viên không nên nói xấu chê bai trình độ nhau trước bàn dân thiên hạ bởi các học trò nhìn vào còn ra thể thống gì nữa.
Thứ ba, việc sử dụng Beat chuẩn hay Beat soạn lại là do quan điểm của nhà trường và giảng viên bởi đều có lý do riêng. Nếu sử dụng Beat chuẩn thì chấm điểm các giọng hát dễ hơn vì tất cả cùng chung trên một nền nhạc. Còn nếu chấm điểm dựa trên Beat đã được soạn lại cho phù hợp với giọng hát của từng cá nhân thì sẽ tôn giọng hát đó nhưng lại thiệt thòi cho các sinh viên nghèo không có tiền để Mix và Mas lại Beat như các bạn nhà giàu. Vậy nên vấn đề này không thể nói ai đúng ai sai để mà đưa lên Facebook”.
Thiên Di