Rạng sáng 26/9, một đoạn bờ taluy công trình trong hẻm đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, đổ sập. Hàng nghìn m3 đất đá đổ tràn xuống phía dưới, vùi 3 căn nhà, lán trại, làm 5 người bị thương, 2 người chết.
Điều tra ‘không có vùng cấm’
Công an TP Đà Lạt đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Uy Vũ (39 tuổi) và Dương Viết Phong (41 tuổi) về hành vi Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Công trình bị sạt lở xây dựng trên 4 thửa đất, được UBND TP Đà Lạt cấp giấy phép xây dựng cuối tháng 3/2021. Công ty CP xây dựng Lê Nguyễn Lâm Đồng (do ông Nguyễn Uy Vũ làm Giám đốc) là nhà thầu thi công và thiết kế xây dựng công trình. Ông Dương Viết Phong phụ trách giám sát thi công.
Quá trình thực hiện công trình, đơn vị thi công, giám sát đã để xảy ra sai phạm khi xây bờ taluy cao hơn 30m, sau đó đổ trên 6.000 khối đất nhằm san lấp mặt bằng. Sau trận mưa kéo dài, rạng sáng 26/9, bờ taluy đổ sập từ đường Yên Thế xuống đường Hoàng Hoa Thám.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã đình chỉ công tác Trưởng phòng Quản lý đô thị Đà Lạt để làm rõ trách nhiệm lãnh đạo phòng và các tập thể, cá nhân liên quan trong cấp giấy phép xây dựng và kiểm tra, giám sát xây dựng tại khu vực vừa xảy ra sự cố.
Hàng chục người liên quan cũng bị cơ quan điều tra triệu tập làm việc. Thành phố yêu cầu lãnh đạo các Phòng quản lý đô thị, Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai không rời khỏi địa phương. Các cán bộ này cũng được đề nghị chấp hành nghiêm yêu cầu triệu tập, cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra về các nội dung liên quan đến vụ sạt lở.
“Quan điểm của thành phố này là không bao che, không có vùng cấm, vi phạm tới đâu sẽ xử lý tới đó, đủ điều kiện thì sẽ khởi tố bị can, thông tin công khai”, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt ông Đặng Quang Tú nói về vụ án trên.
Còn theo ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, bước đầu ghi nhận công trình taluy chắn đất thiếu giải pháp thi công, che chắn. Khi gặp mưa lớn, bờ taluy bị áp lực, phá vỡ kết cấu, dẫn tới sạt lở.
Ông Trung cho hay, đơn vị được UBND tỉnh Lâm Đồng giao điều tra, giám định, xác định nguyên nhân sự cố sạt lở, nhưng quá trình làm việc phải 2 tháng mới có kết luận chính thức về nguyên nhân sự cố, trách nhiệm cá nhân liên quan.
Sẽ siết chặt quản lý đất đai, trật tự đô thị toàn tỉnh
Sau nửa tháng xảy ra sự cố sạt lở, ông Phạm S. – Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, có nhiều dấu hiệu vi phạm tại công trình. Sau khi kiểm tra, rà soát cơ quan chức năng phát hiện địa phương cấp quyền sử dụng đất cho chủ công trình tại vị trí đất công cộng trước đây, việc thi công chưa đúng với giấy phép đã được cấp... Ngoài ra, chủ đất "quá tham" khi từ 2 thửa đất ban đầu, người này đã đổ bờ taluy để chia ra làm 4 lô.
Trong khi đó, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, qua rà soát toàn tỉnh ghi nhận 172 vị trí sạt lở. Địa phương đã dự báo trước nên trong 2 tháng qua đã ban hành 11 văn bản liên quan đến vấn đề phòng chống sạt lở trong mùa mưa.
"Không có chuyện địa phương mất bò mới lo làm chuồng" - lời vị lãnh đạo UBND tỉnh.
Tuy nhiên, người đứng đầu UBND tỉnh Lâm Đồng cũng nhìn nhận, việc cấp phép xây dựng, quản lý hoạt động xây dựng ở một số địa phương còn hạn chế, thậm chí còn buông lỏng. Điều này dẫn tới hậu quả nghiêm trọng khi sạt lở taluy công trình trong hẻm Hoàng Hoa Thám, phường 10, khiến 2 người chết, 5 người bị thương.
Ngoài ra, ông Hiệp cũng khẳng định tư vấn, giám sát, thiết kế… công trình trên có vấn đề, nên đã giao công an điều tra với tinh thần không có trường hợp ngoại lệ. Đồng thời, tỉnh sẽ siết chặt công tác quản lý trật tự đô thị, đất đai, xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là ở TP Đà Lạt.