Mở cửa phiên giao dịch sáng 24/6, thị trường chứng khoán chịu áp lực bán mạnh. Chỉ số VN-Index giảm mạnh và tới gần 11h mất 21 điểm về ngưỡng 1.260 điểm.
Diễn biến bán mạnh các cổ phiếu, đặc biệt nhóm 30 cổ phiếu trụ cột VN30 diễn ra sau khi thị trường ghi nhận một tuần giao dịch giằng co trước đó. Dòng tiền trên thị trường vẫn khá nhiều, số tài khoản chứng khoán mở mới lớn. Tuy nhiên, giao dịch suy giảm.
Sự trầm lắng của vàng và lãi suất ngân hàng còn ở mức thấp cũng không góp phần đẩy giá cổ phiếu đi lên.
Đa số các cổ phiếu trụ cột giảm giá, trong đó cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang giảm khá mạnh trong bối cảnh doanh nghiệp này sáng 24/6 đã lên tiếng về thông tin ông lớn SK Group thực hiện quyền chọn bán cổ phần tại doanh nghiệp này là chưa chính xác.
Trong khi đó, cổ phiếu Vingorup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng nhẹ 100 đồng lên mức 41.750 đồng/cp cho dù giới đầu tư cũng đón nhận thông tin liên quan tới việc SK Group của Hàn Quốc thoái vốn.
Trước đó, tờ Maeil Business Newspaper đưa tin, tập đoàn SK đang có ý định bán cổ phần đang nắm giữ tại các "gã khổng lồ" của Việt Nam để thu hồi lại 1.000 tỷ won tiền đầu tư ban đầu (khoảng 720 triệu USD theo tỷ giá hiện tại). SK Group đang trong quá trình tái cơ cấu hoạt động kinh doanh nên sẽ đánh giá lại các khoản đầu tư để đảm bảo dòng tiền.
Bài báo từ tờ Maeil Business Newspaper của Hàn Quốc cho rằng, việc SK Group (SK) “đã thực hiện quyền chọn bán (quyền bán cổ phiếu) để bán 9% cổ phần sở hữu tại Masan Group”.
Sáng 24/6, Masan đã phủ nhận thông tin này. Doanh nghiệp của ông Quang cho biết, SK chưa thực hiện quyền chọn bán. Theo đó, cả 2 doanh nghiệp hiện đang trong giai đoạn cuối cùng về một lộ trình cụ thể, theo điều kiện thuận lợi của thị trường để SK Group giảm cổ phần sở hữu tại Masan Group.
Cũng theo thông báo, SK đã xác định được các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có quy mô tầm vóc quốc tế và am hiểu hoạt động kinh doanh của Masan để chuyển nhượng cổ phần sở hữu tại Masan. Lộ trình này được xây dựng để bảo vệ và giúp tối đa hóa giá trị cho cổ đông của cả hai doanh nghiệp.
Hồi năm 2018, SK trở thành cổ đông của Masan Group sau khi chi 530 tỷ won (khoảng gần 11.000 tỷ đồng) để mua 9,5% vốn của Masan Group.
Thị trường chứng khoán cũng ghi nhận hoạt động bán mạnh ở nhiều mã khác như: Chứng khoán SSI (SSI) của ông Nguyễn Duy Hưng, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long, Tập đoàn FPT (FPT) của ông Trương Gia Bình, Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài, Vinamilk (VNM), Sacombank (STB), VPBank (VPB)…
Tới 11h10, cổ phiếu FPT của ông Trương Gia Bình giảm 2.200 đồng xuống 133.900 đồng/cp. Trước đó, cổ phiếu này tăng mạnh nhờ kỳ vọng vào làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI). HPG cũng giảm sau một đợt tăng ấn tượng.
Thị trường chứng khoán được kỳ vọng là một kênh đầu tư tốt trong năm 2024 với những triển vọng đến từ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước (với những chính sách thúc đẩy đầu tư công…) và hoạt động mở rộng quan hệ quốc tế với những nước hàng đầu trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU…
Tuy nhiên, dòng tiền vào kênh này vài tháng gần đây rất thận trọng. Khối ngoại cũng dồn dập bán ròng hàng nghìn tỷ đồng giá trị cổ phiếu Việt mỗi tuần.
Trong khi thị trường vàng trầm lắng, dòng tiền có xu hướng vào ngân hàng. Kênh gửi tiết kiệm được cho là một lựa chọn khá tốt. Lãi suất huy động đã được các ngân hàng liên tục điều chỉnh tăng trong thời gian gần đây dù vẫn ở mức thấp so với vài năm trước. Phần lớn các ngân hàng huy động quanh mức 5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và từ 5,5-6%/năm cho kỳ hạn 24 tháng.
Hiện giới đầu tư quan tâm tới câu chuyện của từng doanh nghiệp, thay vì quan tâm tới xu hướng chung trên thị trường. Đa số vẫn nghe ngóng thêm về chính sách vĩ mô trong nước và quốc tế, như đường hướng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ, cũng như theo dõi những bất ổn địa chính trị trên thế giới.