Ngày 22/3, phiên xét xử đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tiếp tục phần bào chữa của các luật sư.

Bào chữa cho bị cáo Lê Khánh Hiền (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), luật sư cho rằng, mức án mà VKS đề nghị đối với bị cáo là từ 6-7 năm tù là quá nghiêm khắc.

W-truong-my-lan-180-1.png
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại toà ngày 22/3. Ảnh: Nguyễn Huế

Theo luật sư, tất cả việc làm của bị cáo Hiền đều có sự chỉ đạo của lãnh đạo Ngân hàng SCB và giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

Trước đó, khi xin thôi làm việc tại Ngân hàng SCB, bị cáo đã có báo cáo gửi HĐQT Ngân hàng SCB. Trong đó, bị cáo nêu ra nhiều khó khăn vướng mắc, đưa ra cách khắc phục… nhưng HĐQT không đồng ý với phương án xử lý các vấn đề tồn đọng tại SCB, do đó bị cáo xin nghỉ việc.

W-truong-my-lan-181-1.png
Quang cảnh phiên toà. Ảnh: Nguyễn Huế

Luật sư dẫn chứng, cáo trạng truy tố bị cáo Hiền phê duyệt 72 Tờ trình tái thẩm định, 2 Biên bản họp Hội đồng quản trị, 72 Biên bản họp Hội đồng tín dụng Hội sở đồng ý cho 72 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, với 72 khoản vay tại Ngân hàng SCB… Lê Khánh Hiền biết các khoản vay trên là hợp thức hồ sơ, giải ngân, rút tiền để nhóm Trương Mỹ Lan sử dụng trái phương án vay vốn.

Hành vi của Lê Khánh Hiền đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền của Ngân hàng SCB, gây hậu quả thiệt hại gần 4 ngàn tỷ đồng. Luật sư cho rằng, quy kết này là chưa thuyết phục. Theo luật sư, tại phiên tòa, các bị cáo khác cũng trình bày rằng đây là những khoản nợ tồn đọng. 

W-truong-my-lan-182-1.png
Đại diện VKS tham gia phiên toà. Ảnh: Nguyễn Huế

Luật sư đề nghị HĐXX áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, tuyên phạt bị cáo Hiền mức án thấu tình đạt lý, bởi bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, là người thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, bị cáo không được hưởng lợi gì, thậm chí còn bị Ngân hàng SCB nợ lương. Trong quá tình điều tra, bị cáo cũng tích cực phối hợp, khai báo thành khẩn, chủ động nộp khắc phục hậu quả; gia đình có truyền thống cách mạng,…

Luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét các tài sản mà bị cáo Hiền đang bị phong tỏa, vì những tài sản này hình thành sau thời điểm bị cáo nghỉ việc tại SCB.

Tự bào chữa, bị cáo Lê Khánh Hiền trình bày về mục đích tham gia vào cơ cấu nợ của SCB thời kỳ mới hợp nhất. Theo bị cáo, sau khi hợp nhất, ngân hàng cơ cấu lại các khoản nợ cũ thành mới, giảm thiểu tối đa thiệt hại, tổn thất trong quá trình xử lý nợ.

Cũng theo bị cáo Hiền, khi cơ cấu lại khoản nợ sẽ kéo giảm nợ xấu, nợ quá hạn về mức an toàn. Dù giải pháp này là tình thế, nhưng là duy nhất để cơ cấu lại danh mục tài sản cho ngân hàng, ổn định tình hình thanh khoản đang khó khăn, hoàn trả lại toàn bộ khoản vay tái cấp vốn.

W-truong-my-lan-183-1.png
Hầu hết các bị cáo khai báo, làm theo chỉ đạo, là người làm công ăn lương nên đề nghị HĐXX xem xét lại mức án. Ảnh: Nguyễn Huế

Bị cáo rất xấu hổ khi để xảy ra sự việc

Tự bào chữa bổ sung, bị cáo Hồ Bửu Phương (Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn VTP và Công ty Đầu tư Vạn Thịnh Phát từ năm 2013 đến 31/7/2020) tỏ ra khá bất ngờ khi bị truy tố về tội “Tham ô tài sản” với khung hình phạt 19-20 năm tù. Bị cáo không hiểu sao lại xảy ra tình trạng này, bị cáo thấy hành vi phạm tội của bị cáo không quá nghiêm trọng.

“Từ lúc bị tạm giam đến nay, bị cáo chưa được gặp vợ con và gia đình, bị cáo cũng rất xấu hổ khi để xảy ra sự việc này. Bị cáo xin HĐXX và VKS cân nhắc, xem xét phần bào chữa của các luật sư để cân nhắc khi đưa ra mức hình phạt cho bị cáo”, bị cáo Phương trình bày.

Bị cáo Nguyễn Văn Thanh Hải (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) cho rằng, căn cứ hành vi luận tội thì bị cáo nghĩ là chưa đầy đủ và chính xác, mong HĐXX xem xét thêm bản chất và hoàn cảnh bị cáo phạm tội.

Theo bị cáo Hải, giai đoạn 1 bị cáo làm Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB, công việc của bị cáo là điều hành việc huy động cá nhân cũng như dịch vụ cá nhân, cho vay tiêu dùng, bị cáo không được tiếp xúc những doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát.

Khi lên làm Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB, bị cáo được bị cáo Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT) phân công xử lý khối tín dụng và công nợ, nên việc ký vào biên bản hội đồng tín dụng cũng như phiếu lấy ý kiến về việc cho vay... bị cáo chỉ được tiếp xúc trên hồ sơ, chứ không biết các doanh nghiệp này có hoạt động hay không, và sử dụng khoản vay này như thế nào.

“Bị cáo thấy ăn năn, hối lỗi về việc mình làm. Nhận thức sâu sắc về tội của mình, kính mong HĐXX và VKS xem xét lại mức án, cân nhắc thêm phần tình tiết giảm nhẹ để bị cáo sớm có cơ hội hòa nhập với xã hội”, bị cáo Hải trình bày trong phần tự bào chữa.