Theo CNN, vừa có thêm một tập đoàn bất động sản lớn của Trung Quốc vỡ nợ. Đó là đòn giáng mới vào thị trường địa ốc vốn đang chao đảo của đất nước 1,4 tỷ dân.
Shimao Group (có trụ sở tại Thượng Hải) đã không thể trả lãi và gốc cho một trái phiếu trị giá 1 tỷ USD đáo hạn hôm 3/7. Sau nhiều tháng vật lộn với những rắc rối tài chính, đây là lần đầu tập đoàn không thể thanh toán trái phiếu USD.
Đáng nói, tính đến đầu năm nay, Shimao Group vẫn được coi là một trong những tập đoàn bất động sản khỏe mạnh nhất.
Shimao Group từng được dự báo là một trong những tập đoàn địa ốc hiếm hoi vượt qua cuộc trấn áp của chính quyền Bắc Kinh. Ảnh: Reuters. |
Từng vượt 3 lằn ranh đỏ
Shimao đã vượt qua cả "3 lằn ranh đỏ" - những giới hạn được chính quyền Trung Quốc đưa ra nhằm tránh việc vay nợ quá mức của các tập đoàn bất động sản. Những giới hạn này được cho là một phần nguyên nhân đẩy China Evergrande đến bờ vực vỡ nợ.
Điều đó có nghĩa là công ty có thể có một vị thế tài chính vững chắc và khả năng tiếp cận thị trường nợ dễ dàng hơn.
Những rắc rối của Shimao Group sẽ làm xói mòn hy vọng rằng các nhà phát triển được đánh giá cao hơn có thể vượt qua cuộc trấn áp của chính quyền Bắc Kinh. Ngay cả khi giới chức Trung Quốc đã nới lỏng kiểm soát, những dư chấn của các động thái siết tín dụng quyết liệt vẫn còn.
Kể từ năm 2020, khủng hoảng nối khủng hoảng đè nặng lên lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh đã siết chặt kiểm soát nhằm hạ nhiệt giá nhà và ngăn ngừa rủi ro trong một ngành công nghiệp đã phát triển quá nóng.
Chính sách "3 lằn ranh đỏ" được coi là nguyên nhân chính đẩy China Evergrande vào cuộc khủng hoảng tiền mặt. Ảnh: Reuters. |
Các vấn đề leo thang sau khi China Evergrande - nhà phát triển bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc - bắt đầu rơi vào cuộc khủng hoảng tiền mặt.
Với khoản nợ lên tới 300 tỷ USD, China Evergrande của tỷ phú Hứa Gia Ấn trở thành tập đoàn địa ốc nợ nần nhất thế giới. Vào tháng 12 năm ngoái, Fitch Ratings đã hạ xếp hạng của China Evergrande xuống mức "vỡ nợ giới hạn".
Theo ước tính của Moody's vào đầu năm nay, một lượng lớn trái phiếu của Shimao Group sẽ đáo hạn trong năm nay, bao gồm 1,7 tỷ USD trái phiếu do các nhà đầu tư quốc tế nắm giữ, 8,9 tỷ NDT (1,4 tỷ USD) trái phiếu trong nước và những khoản vay ngân hàng nước ngoài.
Ra đời vào năm 2001, Shimao phát triển những dự án nhà ở và khách sạn quy mô lớn trên khắp cả nước. Tập đoàn sở hữu Shanghai Shimao International Plaza - một trong những tòa nhà cao nhất nằm ở trung tâm Thượng Hải.
Không miễn nhiễm với khủng hoảng
Vào tháng 3, công ty ước tính lợi nhuận ròng năm 2021 giảm khoảng 62% so với một năm trước đó. Khi Trung Quốc phong tỏa Thượng Hải để đối phó với dịch Covid-19, Shimao cũng hoãn công bố kết quả kinh doanh năm ngoái.
Hôm 3/7, Shimao thừa nhận "đã có sự sụt giảm đáng kể về doanh số theo hợp đồng trong vài tháng qua". Nguyên nhân chủ yếu là những thay đổi lớn trong ngành bất động sản và tác động của dịch Covid-19.
Công ty cho biết đang tìm hướng giải quyết với các chủ nợ. Trong trường hợp không thể đạt thỏa thuận, trái chủ của Shimao có thể buộc công ty đẩy nhanh tốc độ thanh toán.
Sau khi China Evergrande vỡ nợ, hàng loạt tập đoàn địa ốc tên tuổi của Trung Quốc như Fantasia và Kaisa cũng vỡ nợ. Các vấn đề càng trở nên trầm trọng bởi cách chống dịch gắt gao và tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Thượng Hải và nhiều thành phố lớn khác của Trung Quốc đã bị phong tỏa trong nhiều tuần, tác động lớn tới hoạt động kinh doanh.
Các biện pháp chống dịch gắt gao của Trung Quốc tác động lớn tới doanh số bán nhà. Ảnh: Reuters. |
Tháng trước, Sunac China - một trong những tập đoàn địa ốc lớn nhất đất nước - cho rằng làn sóng Covid-19 mới đã "làm tổn hại đáng kể" tới doanh thu của công ty trong tháng 3 và tháng 4. Điều này cũng khiến tình trạng suy giảm thanh khoản trở nên trầm trọng hơn.
Sunac cũng thừa nhận đã vỡ nợ một trái phiếu bằng đồng USD.
Theo một cuộc khảo sát vừa được hãng nghiên cứu China Index Academy công bố, trong nửa đầu năm nay, giá nhà mới tại 100 thành phố của Trung Quốc đã lao dốc hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thực tế, năm nay, giới chức Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực nhằm ngăn chặn sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản đang đè nặng lên nền kinh tế thứ 2 thế giới. Những biện pháp hỗ trợ được đưa ra bao gồm kêu gọi các nhà băng cho vay nhiều hơn, giảm lãi suất vay thế chấp và nới lỏng một số quy định về việc sở hữu nhà đất.
Theo số liệu được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 16/6, giá nhà mới tại 70 thành phố của Trung Quốc trong tháng 5 đã giảm 0,17% so với tháng 4, thấp hơn mức giảm 0,3% của tháng 4.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng ngành công nghiệp bất động sản vẫn khó phục hồi. Theo đội ngũ phân tích của Nomura, một phần nguyên nhân là Bắc Kinh vẫn kiên quyết theo đuổi chiến lược Zero-Covid.
(Theo Zing)