"A Liang là con trai tôi. Thằng bé từ nhỏ đã rất thông minh, học lực cũng rất tốt. Lớn lên thằng bé đi học một trường đại học nổi tiếng, nên không còn ở với bố mẹ.
Rồi con trai tôi tốt nghiệp và ở lại làm việc trên thành phố. Cách đây không lâu nó về làng, mang về cho tôi cả một đứa con dâu ngoại quốc! Chúng nó quyết định về xây dựng quê hương. Cho con đi học lẽ ra tôi muốn nó ở lại thành phố lâu dài, nhưng thôi thì, dù sao nó cũng mang về cho tôi một đứa con dâu rất xinh đẹp và lạ lẫm với dân làng...", một bà mẹ nông thôn trải lòng tâm sự về chuyện con trai lấy vợ người ngoại quốc.
Những tâm sự của bà đã được biên tập lại và đăng tải trên một trang báo mạng Trung Quốc. Câu chuyện khiến nhiều người cảm thấy lạ mà quen. Quen vì sẽ có nhiều bà mẹ nông thôn cũ nhìn thấy mình trong đó, lạ vì với thời đại ngày nay, tưởng những chuyện như vậy không còn xuất hiện nữa, ai ngờ nó vẫn còn, lại rơi trúng phải nhà có "dâu tây".
Nguyên do anh con trai quyết định đưa bạn gái tây về quê là vì anh nhìn thấy chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của nhà nước, mà chuyên ngành của anh là nông nghiệp nên đã quyết định về quê phát triển, sử dụng kiến thức của mình để cống hiến cho quê hương, làm giàu cho chính mình. Cô dâu ngoại quốc là bạn học đại học của anh, người Mỹ. Vì tình yêu, cô quyết định theo A Liang về quê sau khi hai người đã bàn bạc kỹ lưỡng về con đường phát triển sự nghiệp và hôn nhân.
Trước sự ngưỡng mộ, chúc phúc của dân làng và gia đình họ hàng, hai người nên duyên vợ chồng. Ngày cưới, có cả người dân các làng lân cận đến xem và chung vui. Hôm đó, bố mẹ A Liang mừng nở mặt nở mày, mỏi tay chia kẹo cưới cho mọi người. Những lời khen khiến ông bà cười không ngớt. Cô con dâu ngoại quốc không biết phép tắc, có nhiều trò đùa trong đám cưới dù thỉnh thoảng khiến bố mẹ chồng rất xấu hổ nhưng nhìn chung tất cả đều vui.
Khoảng thời gian tốt đẹp không kéo dài. Chưa đầy một tháng, cô con dâu làm đơn ly hôn.
Hóa ra mẹ của A Liang ép con dâu uống thuốc bắc để điều hòa cơ thể, bà nhất quyết bắt con dâu làm theo "bí quyết sinh con trai" để kiếm thằng cháu nối dõi. Con dâu người ngoại quốc nên không nuốt nổi thuốc bắc. Dù lần đầu cô miễn cưỡng uống vì tò mò, nhưng những lần sau thì lén đổ thuốc sau lưng mẹ chồng. Một lần, đang lúc đổ thuốc, cô bị mẹ chồng phát hiện. Hai người tranh luận một hồi lại trở thành cãi nhau to. Con dâu là người rất thẳng thắn tranh luận bằng lý lẽ, đặt quyền cá nhân lên cao nhất trong khi mẹ chồng nổi giận cho rằng con dâu quá hỗn hào, mẹ chồng nói câu nào vặn vẹo lại câu ấy.
Ngày hôm sau, cô con dâu ngoại quốc đề nghị chồng ly hôn. A Liang lấy làm khó hiểu. Khi biết lý do, anh đã an ủi vợ và thuyết phục mẹ đừng can thiệp vào cuộc sống của anh. Chẳng ngờ mẹ A Liang lại cho rằng con trai giờ cứng cỏi rồi, lấy vợ quên mẹ, bênh vợ chứ không bênh mẹ, càng làm ầm ĩ lên, ỏm tỏi làng nước để hàng xóm vào phán xét hộ. Dân làng chạy sang biết chuyện, chỉ cười.
Sinh con trai, con gái không quan trọng, quan trọng là sinh được một đứa con có hiếu, có nghĩa, biết cư xử yêu thương, đùm bọc lấy bố mẹ và gia đình.
Con sống theo ý của cha mẹ hay không không quan trọng, quan trọng là chúng tự làm chủ được cuộc sống của mình và sống cuộc đời hạnh phúc.
Không chắc mọi quyết định, lựa chọn của cha mẹ đều đúng, đều an toàn, đời người ai cũng mắc sai lầm, hãy để cho con cái tự lựa chọn, quyết định cuộc đời chúng. Dù lựa chọn của chúng tại một thời điểm có sai lầm, thì đó cũng là cách để chúng vấp ngã và trưởng thành.
Không ai sống hộ được cuộc đời của ai cả, nên cha mẹ khi tuổi đã già, việc nên làm nhất là vui vầy cùng con cháu, gạn bỏ bớt những âu lo, đừng ôm vào những nỗi lo không còn là của mình, hỗ trợ con cháu khi chúng cần nhưng không áp đặt, điều khiển. Ông bà sống vui, sống khỏe thì tự con cháu cũng cảm thấy yên tâm và hạnh phúc. Mọi sự "đàn áp" dù ở quy mô nào kể cả trong gia đình cũng đều gây ức chế khiến mâu thuẫn hình thành.
Theo Dân trí