Quốc hội vừa thông qua nghị quyết về giải quyết vốn cho Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC), trong đó có dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. Văn phòng Chính phủ cũng vừa có kết luận thông báo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, trong đó giao Bộ KH&ĐT khẩn trương báo cáo đề xuất Chính phủ phương án bố trí vốn đối ứng cho dự án.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành trong quá trình thực hiện gặp vướng mắc về một số cơ chế đối với các nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn đối ứng. Theo VEC, tổng nhu cầu vốn đối ứng theo sổ sách để tiếp tục giải ngân các khoản vốn vay cho dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành khoảng 1.800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngay cả khi dự án được bố trí vốn, tiến độ thực hiện vẫn không thể về đích vào năm 2022 do việc giải quyết vướng mắc hợp đồng với các nhà thầu.
Ông Trương Việt Đông, Chủ tịch HĐTV VEC cho biết, dù vốn đã được Quốc hội thông qua nghị quyết bố trí, tuy nhiên, vấn đề căng nhất của dự án hiện nay là giải quyết thoả thuận với các nhà thầu.
Hiện nay các nhà thầu gói A1, A3, A6, J1, J3 đã có các Thư khiếu nại VEC về các chi phí phát sinh do thời gian dừng chờ thi công kéo dài (trước khi chấm dứt hợp đồng) và các chi phí phát sinh đối với một số khối lượng chưa được thanh toán (đối với đoạn JICA trong giai đoạn trước)…
“Bản chất là các nhà thầu này không muốn thi công trở lại do giá bỏ thầu từ 2015-2016 quá thấp, trong khi giá vật liệu hiện tại quá cao. Tuy nhiên, trước khi chấm dứt hợp đồng và ký thanh lý, chuyển giao công trường, các nhà thầu này đều yêu cầu bồi thường thiệt hại do dừng thi công suốt 2-3 năm qua, thậm chí đưa ra trọng tài quốc tế”, ông Đông nói.
Cũng theo đại diện VEC, hiện con số bồi thường bao nhiêu vẫn phải chờ đàm phán với các nhà thầu, hoặc quyết định của trọng tài quốc tế. VEC đang xin chủ trương từ Chính phủ đề xử lý vấn đề này.
“Để nhà tài trợ chấp thuận thì phải có biên bản bàn giao công trường hai bên ký với nhau chấm dứt hợp đồng, nhưng hiện tại các nhà thầu không ký và yêu cầu bồi thường. VEC đã đề xuất Chính phủ, Bộ GTVT chốt phương án ký cam kết bồi thường tiền dừng chờ cho nhà thầu, nhưng mức độ bồi thường thế nào thì phải chờ phân xử của toà án trọng tài quốc tế, cũng như việc thương thảo giữa 2 bên”, ông Đông nói.
Theo tiến độ đến 31/12/2023 cao tốc Bến Lức – Long Thành phải hoàn thành đưa vào khai thác, tuy nhiên từ 2020 đến nay hầu như dự án không triển khai do không bố trí được vốn. Do vậy, VEC kiến nghị gia hạn thời gian hoàn thành đến quý 3/2025.
Cao tốc Bến Lức – Long Thành đã hoàn thành gần 79% khối lượng xây lắp. Theo tính toán sơ bộ, giá trị còn lại của dự án chưa thi công theo sổ sách chỉ còn khoảng 2.000 - 3.000 tỷ đồng, tuy nhiên thực tế có thể cao hơn nhiều do giá vật liệu xây dựng tăng cao.
Về vốn vay nước ngoài cho dự án, hiện tại, một trong 2 gói vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hết thời hạn rút vốn (từ năm 2019). Bộ GTVT đã trình Chính phủ phương án sử dụng phần vốn dư hơn 70 triệu USD từ hiệp định vay còn hiệu lực để bù vào phần thiếu hụt của gói vay đã hết hạn, trường hợp sau đó vẫn thiếu vốn VEC sẽ phải tự cân đối.
Giải quyết vướng mặt bằng
Cũng với việc giải quyết vướng mắc hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư với các nhà thầu, dự án thi công cao tốc Bến Lức - Long Thành vẫn còn vướng mặt bằng khi còn 18 hộ dân (17 hộ tại TP.HCM và 1 hộ tại tỉnh Đồng Nai) chưa được giải phóng.
Trước thực tế này, VEC đã kiến nghị UBND TP.HCM, UBND tỉnh Đồng Nai sớm bàn giao mặt bằng của 18 hộ còn vướng trên chính tuyến của dự án trong tháng 6, bàn giao trong tháng 8/2022.
Tại buổi kiểm tra thực tế dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành hôm 20/6, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu các địa phương tập trung giải quyết những vướng mắc về pháp lý, tài chính và tiến độ trong GPMB để triển khai dự án.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan trình phương án tổng thể về khởi động lại dự án để Chính phủ xem xét giải quyết.
Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành do VEC làm chủ đầu tư, khởi công 2014, mục tiêu thông xe năm 2018. Toàn tuyến cao tốc dài gần 58km, đi qua Ðồng Nai, TP.HCM, Long An. Dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc 120 km/h, theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A. Tổng mức đầu tư dự án là 1.607,40 triệu USD, trong đó vốn vay ADB là 635,7 triệu USD; vốn vay JICA là 634,8 triệu USD; vốn đối ứng là 336,9 triệu USD. Theo yêu cầu của Chính phủ, dự án phải hoàn thành vào ngày 31/12/2023. |
Vũ Điệp