Nỗi buồn tay trắng
Trận bão lũ lịch sử đã đi qua hơn 1 tháng, nhưng người dân xã Mỹ Tân (TP Nam Định, tỉnh Nam Định) vẫn chưa hết xót xa bởi những thiệt hại nó gây ra.
Ông Nguyễn Văn Ngân (trú tại thôn Hồng Hà 1) cho biết, đợt lũ vừa qua đã nhấn chìm hơn 7 sào hoa cúc của gia đình. Vốn liếng hàng trăm triệu đồng đổ vào ruộng cúc, cùng công sức chăm bón mấy tháng ròng rã, theo dòng nước lũ mà trôi đi.
“Tôi không nghĩ nước lũ dâng nhanh thế. Khi nước tràn vào tôi chỉ biết đứng nhìn ruộng hoa bị nhấn chìm dần chứ không cách nào cứu vãn được bởi cây mới đang chuẩn bị đánh nụ, cố cắt sớm cũng chẳng bán được cho ai”, ông Ngân chia sẻ.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Nhất (trú tại thôn Hồng Hà 1) không giấu nổi nỗi buồn khi kể về thiệt hại của gia đình mình.
“Diện tích canh tác hoa cúc của gia đình tôi là hơn 2 mẫu, có cả hoa, cả mầm giống. Trồng cây sắp đến ngày hưởng chút thành quả lao động, ai ngờ nước lũ nhấn chìm tất cả”, ông Nhất thở dài.
Cũng theo ông Nhất, toàn bộ thu nhập của gia đình phụ thuộc vào ruộng cúc. Trước khi thiên tai xảy ra, ông đã đầu tư khoảng 300 triệu đồng vào giống, phân bón, công thuê người chăm sóc... nhưng giờ "trắng tay".
Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân Nguyễn Hữu Lệ cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3 và lũ trên sông Hồng dâng nhanh, toàn bộ khoảng 250ha diện tích trồng hoa và các cây hoa màu khác cũng như vườn cây cảnh xã Mỹ Tân đã bị ngập lụt, thiệt hại. Theo thống kê của địa phương, con số thiệt hại ước tính xấp xỉ 200 tỷ đồng.
Vực dậy sau thiên tai
Với tâm niệm “còn người còn của”, những hộ trồng hoa tại xã Mỹ Tân đã đứng lên, từng bước vực dậy sau thiên tai.
Ông Ngân chia sẻ: Lũ rút, gia đình ông lập tức cải tạo lại ruộng, chờ đất khô, sẵn sàng tái sản xuất. Tuy nhiên, nguồn cung cúc giống vô cùng khan hiếm, rất khó mua, giá lại cao.
“Trước đây nhà tôi tự sản xuất được mầm giống nhưng nay phải đi mua để trồng với giá đắt gấp 2-3 lần bình thường mà còn không có để mua. Hiện tại, tôi mới trồng lại được 3 sào, vừa để cho vụ Tết vừa làm giống. Tôi tin với quyết tâm cao độ, chúng tôi sẽ nhanh chóng khôi phục được cánh đồng hoa xanh tươi như trước đây”, ông Ngân bộc bạch.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Loan (trú tại thôn Hồng Hà 2) nói, khi nước rút chị bắt tay ngay vào làm đất, một tuần sau đã xuống giống trồng được luôn. Dù mới chỉ khôi phục được một nửa diện tích trồng hoa giống, nhưng đến nay chị đã cắt được một lứa giống để bán và chuẩn bị cắt lứa giống tiếp theo, gỡ gạc lại một phần vốn.
Đối với nhiều người, thiệt hại sau cơn lũ đã trở thành động lực giúp họ thêm kiên cường, biến thách thức thành cơ hội. Họ không chỉ nhìn nhận thiên tai như sự phá hủy, mà coi như đó là dịp để đất được “tái sinh”.
Vừa luôn tay thu dọn khung, cọc, giấy bóng để tái tạo lại ruộng hoa, ông Nhất vừa chia sẻ: “Nhìn một cách tích cực thì thấy khi nước rút để lại những lớp phù sa màu mỡ bồi đắp cho cánh đồng, giúp đất đai thêm phần trù phú. Nếu không có phù sa vào thì 3-4 năm, chúng tôi cũng phải đảo đất một lần vì cây hoa đặc biệt là hoa cúc rất ưa đất mới.
Hiện gia đình tôi đã khôi phục được khoảng 3-4 sào, diện tích trồng còn lại vẫn thu dọn dần, chờ bùn đất khô sẽ tái sản xuất ngay. Tôi tin những lứa sau chắc chắn cây sẽ sinh trưởng tốt hơn”.
Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân cho biết: "Sau khi bão lũ qua đi, chính quyền địa phương đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn để đồng hành, động viên, hỗ trợ bà con trong công tác khôi phục sản xuất.
Đến nay, diện tích trồng hoa đã khôi phục được khoảng 40%. Chúng tôi vẫn tiếp tục động viên bà con cải tạo hệ thống kênh mương thuỷ lợi, cải tạo đồng ruộng để sẵn sàng trồng hoa khi có giống, không để đất bị bỏ hoang”.