Tại buổi nói chuyện với hàng trăm nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu, Sơn La, về chuyên đề sốc phản vệ ngày 5/3, GS.TS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức tích cực - Chống độc Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, đã chia sẻ nhiều lý do bất ngờ có thể cướp mất mạng sống của chúng ta mang tên “sốc phản vệ”.
Những thủ phạm bất ngờ có thể cướp đi mạng sống
Giáo sư Bình lấy ví dụ về trường hợp một nữ điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai. Sau ca tan làm về nhà, chị mở cửa bất ngờ bị sốc khó thở, ngất. Ngay lập tức, gia đình đã đưa vào cấp cứu. Bác sĩ phát hiện nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là nữ điều dưỡng bị dị ứng với phấn hoa ly để trong phòng.
Hay trường hợp khác, bác sĩ của một bệnh viện ở Hải Dương bị sốc phản vệ nặng vì đi chùa bị ong đốt. Bệnh nhân lập tức phù mặt, phù đường thở. Các đồng nghiệp đi cùng chẩn đoán sốc phản vệ nhưng không có thuốc Adrenalin để tiêm bắp nên vội vào đưa vào bệnh viện gần đó cấp cứu.
Thậm chí, Giáo sư Bình đã từng chứng kiến một trường hợp tử vong do sốc phản vệ sau khi tiêm kháng sinh Streptomycin. Mặc dù, người tiêm đã được kiểm tra trước.
Giáo sư Gia Bình cho rằng nguy cơ sốc phản vệ hiện hữu ở bất cứ đâu từ dị ứng thức ăn như tôm, cá, ốc, ếch, dị ứng phấn hoa, thuốc, thậm chí khói xe trên đường. Ngoài ra, tại Việt Nam, việc sử dụng thuốc đường tiêm rất dễ dãi nên dẫn đến nhiều ca sốc phản vệ vì tiêm truyền.
Biện pháp hạn chế sốc phản vệ
Người bị sốc phản vệ có thể được nhận biết bằng triệu chứng lâm sàng như da bị đỏ, ngứa, khó thở, trụy mạch, co thắt phế quản. Nguy hiểm nhất của sốc phản vệ là gây phù hạ họng, thanh quản, phản ứng co thắt phế quản khiến đường thở bị chít hẹp, bệnh nhân khó thở, gây thiếu oxy đến các cơ quan. Phản ứng này cũng gây giãn mạch làm giảm lưu thông máu, nếu không cấp cứu sớm sẽ gây mất não, tử vong.
Để phòng sốc phản vệ, Giáo sư Bình cho rằng ở cơ sở y tế tốt nhất hạn chế tiêm kháng sinh vào đường tĩnh mạch. Bởi nếu tình trạng sốc phản vệ xảy ra, nhân viên y tế rất khó ứng phó. Thay vì tiêm tĩnh mạch, ông cho rằng nhân viên y tế có thể pha loãng kháng sinh và truyền. Khi có bất thường, việc xử lý sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn.
Ngoài cộng đồng, vị chuyên gia khuyến cáo người dân nên tránh các thực phẩm đã từng gây dị ứng như sẩn ngứa, đỏ da, phù nề. Người dân cũng cần thông báo với bác sĩ về loại thuốc mà mình dị ứng để tránh kê đơn.
Để cấp cứu sốc phản vệ, tiêm thuốc Adrenalin là ưu tiên số một. Nhiều quốc gia thường trang bị “bút tiêm” có chứa Adrenalin để người dân có thể xử lý các ca sốc phản vệ ngoài cộng đồng. Người sơ cứu có thể sử dụng tiêm thẳng vào bắp đùi khi bệnh nhân bị sốc phản vệ. Tuy nhiên, chi phí của loại bút tiêm này khá đắt.
Tại Việt Nam, các cơ sở y tế cần chuẩn bị sẵn ống tiêm Adrenalin để có thể thực hiện thủ thuật ngay lập tức khi người bệnh có biểu hiện sốc phản vệ. "Nhiều nhân viên y tế e ngại loại thuốc này sẽ hại bệnh nhân nhưng thực chất đây là liều thuốc cứu mạng cho họ", Giáo sư Bình nhấn mạnh.