Việc hình thành nên môi trường văn hóa trong lành, tích cực, tạo điều kiện nảy sinh những hành động hướng đến chân – thiện – mỹ cho mỗi người và toàn xã hội là một điều hết sức cần thiết.
Khi chúng ta có được một môi trường như thế, những điều tốt đẹp tự khắc nảy sinh, những điều ác cũng tự khắc mà biến mất một cách tự nhiên nhất. Đó cũng là ước mơ của tất cả mọi người.
Những giá trị đạo đức, văn hóa, sự đồng cảm, sẻ chia trước hết cần được vun đắp, chăm bón trong mỗi mái ấm gia đình để lan tỏa ra xã hội và cộng đồng.
Ngày Gia đình Việt Nam 28 tháng 6 hàng năm chính là dịp tôn vinh những giá trị gia đình. Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết lấy là ngày nghỉ lễ chứng tỏ chúng ta ngày càng ý thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của mái ấm gia đình đối với tương lai đất nước.
Trong giai đoạn hiện nay, khi đạo đức xã hội và đạo đức cá nhân đang có những biểu hiện sa sút nghiêm trọng, vai trò của gia đình và giáo dục gia đình đối với việc hình thành, nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách của thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước lại ngày càng trở nên quan trọng hơn lúc nào hết.
Trong giáo dục gia đình, vai trò làm gương của người lớn rất quan trọng trong việc xây dựng nhân cách, văn hóa cho thế hệ trẻ. Nếu trẻ em từ nhỏ được giáo dục trong một gia đình nề nếp, hạnh phúc thì lớn lên trẻ sẽ dễ dàng trở thành một công dân có văn hóa, có phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Vì thế, trong gia đình, người lớn phải dạy và làm gương cho trẻ ngay từ nhỏ những điều giản dị nhất như chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi... từ đó hình thành nhân cách cho trẻ từ khi còn tấm bé.
Giáo dục làm gương trong gia đình hiện nay gặp nhiều khó khăn vì các gia đình Việt Nam hiện nay đang trong giai đoạn chuyển đổi, gặp nhiều thách thức trong việc duy trì văn hóa gia đình.
Kiểu gia đình truyền thống nhiều thế hệ chung sống đã quen thuộc hàng nghìn năm nay, bây giờ nhường chỗ lại cho các gia đình hạt nhân.
Đứt quãng trong giáo dục gia đình diễn ra từ việc thiếu vắng vai trò của người ông, người bà, cộng thêm việc vợ, chồng đều dành quá nhiều thời gian cho công việc, không có nhiều thời gian cho con cái.
Cha mẹ giờ đây trông chờ, thậm chí phó mặc cho nhà trường, cho xã hội việc giáo dục con cái, trong khi các thiết chế này không đủ sức và cũng không sẵn sàng khiến cho nhiều trẻ em bị lạc lõng, bị bỏ rơi trong chính ngôi nhà, mái trường và trong xã hội.
Theo thống kê, một ngày mỗi gia đình chưa dành nổi tối đa 30 phút cho con cái. Vì ít ỏi như thế nên giáo dục trong gia đình gặp vấn đề ngay lập tức. Cùng đó, chính sách 2 con cũng là vấn đề khác của gia đình. Nhiều gia đình thậm chí chỉ có 1 con nên cách dạy dỗ con cũng khác. Đứa con giờ đây là trung tâm của gia đình, và nhiều khi, cha mẹ và những người lớn khác phải chạy theo để thỏa mãn những nhu cầu của chúng. Việc cả nhà phải xem chương trình thiếu nhi, phải mua những phương tiện điện tử để chiều lòng con trẻ không phải là câu chuyện hiếm!
Quá nuông chiều con trẻ ở nhiều gia đình dẫn đến hậu quả là con trẻ thiếu kỹ năng sống, thiếu sự cảm thông, sẻ chia với cộng đồng. Khi trưởng thành, những đứa trẻ như vậy thường đặt cái tôi cá nhân lên trên hết, thiếu vị tha và chia sẻ với người khác... Một cuộc điều tra xã hội học gần đây đã đưa ra số liệu về sự suy giảm giá trị trong gia đình, trong đó nặng nề nhất là bệnh vô cảm với 67,8% số người được hỏi đồng ý.
Điều dễ nhận thấy là các gia đình bây giờ hướng tới những giá trị hiện đại như kết quả của quá trình toàn cầu hóa. Chúng ta không phản đối việc tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới trong quá trình hội nhập toàn cầu.
Tuy nhiên, hội nhập quốc tế thì phải trên nền những giá trị văn hóa truyền thống. Nếu chúng ta không có nền tảng vững chắc là các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, chúng ta sẽ lạc lối trên chính con đường hiện đại hóa và toàn cầu hóa ấy.
Mất văn hóa là mất tất cả! Không ai muốn điều đó xảy ra ngay trong chính gia đình thân yêu của mình. Văn hóa gia đình phương Đông và phương Tây có những nét giống và khác nhau. Có thể tham khảo cách dạy dỗ con cái của gia đình phương Tây nhưng không hẳn áp dụng nguyên sẽ có hiệu quả.
Trong khi đó, những giá trị văn hóa trong gia phong, gia pháp, gia giáo của gia đình người Việt vẫn còn sức sống trong xã hội mới nếu chúng ta biết cách vận dụng. Ông bà mong muốn dạy dỗ cháu một kiểu, bố mẹ lại mong muốn dạy dỗ con cái theo kiểu khác. Không có những nguyên tắc dạy dỗ cơ bản, được thống nhất, khiến cho việc làm gương trong gia đình gặp rất nhiều khó khăn.
Chưa kể, việc làm gương, giáo dục trong gia đình cũng rất cần sự hỗ trợ của nhà trường, các tổ chức, đoàn thể và ngoài xã hội. Giáo dục trong nhà trường, ngoài xã hội sẽ trở nên vô nghĩa khi trở lại giáo dục trong gia đình khi mà không hỗ trợ nhau.
Ví như khi ở trường, thầy cô dạy phải dừng trước đèn đỏ khi tham gia giao thông nhưng bố mẹ lại cứ vượt đèn đỏ, hay ngược lại, sự gian dối trong thi cử không chỉ đơn thuần liên quan đến chuyện học, mà sẽ ảnh hưởng cả đến nhân cách của trẻ sau này.
Việc dạy dỗ ở gia đình, trong nhà trường hay ngoài xã hội không cùng một hướng, thậm chí xung đột đã cản trở việc hình thành giá trị đạo đức hay văn hóa cho trẻ em.
Kì 2: Truyền cảm hứng từ những câu chuyện tốt đẹp
Bùi Hoài Sơn