Bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình có 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Trong nhiều năm đường vào bản quanh co gồ ghề đất đá, mưa lũ thì trơn trượt; đi lại khó khăn, giao thương chậm phát triển.
Khi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) được triển khai thực hiện, với tổng kinh phí trên 1,2 tỷ đồng, con đường vào bản Lâm Ninh đã được đổ bê tông phẳng lì, giúp bà con đi lại thuận lợi hơn rất nhiều.
Toàn tỉnh Quảng Bình có 15 xã ở 5 huyện thuộc đối tượng vùng thực hiện Chương trình MTQG 1719. Giai đoạn 2022-2024 tỉnh được phân bổ gần 1.112 tỷ đồng để thực hiện Chương trình; trong đó nguồn vốn đầu tư phát triển là 603,549 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 508,331 tỷ đồng.
Qua gần 3 năm thực hiện 10/10 dự án và 12/14 tiểu dự án, nguồn vốn đầu tư phát triển có mức độ giải ngân cao đạt 66,15%. Trong đó, một số dự án có tỷ lệ giải ngân cao như: Dự án 4 đạt 78,7%; Dự án 9 đạt 54,7%, Dự án 5 đạt 72,1%;...
Tác động tích cực đến mọi mặt kinh tế - xã hội
Cụ thể, Dự án 4 (Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc) được bố trí 153,888 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển bố trí 130,716 tỷ đồng; vốn sự nghiệp bố trí 23,172 tỷ đồng. Đến nay, đã giải ngân được 78,7% kế hoạch.
Tính lũy kế từ năm 2022 đến tháng 07/2024, toàn vùng đồng bào DTTS&MN ở Quảng Bình đã xây mới được 103 công trình. Trong đó, có 03 công trình chợ; 57 công trình giao thông; 18 công trình trường học; 24 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng; 01 công trình thuỷ lợi. Ngoài ra 45 công trình khác đã được đầu tư duy tu và bảo dưỡng từ nguồn lực Dự án 4.
Có thể kể đến như công trình cầu Hà Lẹc (xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thủy) với tổng mức đầu tư 7 tỷ đồng. Dự kiến khi được hoàn thành và đưa vào sử dụng (cuối 2024) cầu sẽ rút ngắn thời gian từ các bản Hà Lẹc, cụm bản A Bai ra trung tâm xã xuống còn khoảng 20 phút đi xe máy, cũng như trở thành tuyến chính cho đồng bào Bru Vân Kiều ở bản Bạch Đàn (xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy) ra trung tâm.
Đây sẽ là tuyến giao thông chính phục vụ cho hơn 200 hộ đồng bào Bru Vân Kiều đi lại, giao thương và phát triển kinh tế - xã hội.
Quảng Bình là địa phương có đông đồng bào dân tộc Chứt sinh sống. Do đó, Dự án 9 (Đầu tư phát triển nhóm DTTS số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn) có vai trò quan trọng trong phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS của tỉnh.
Với Dự án 9, tỉnh được phân bổ 228,129 tỷ đồng để thực hiện. Trong đó, nguồn vốn đầu tư phát triển là 164,806 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 63,323 tỷ đồng. Đến tháng 7/2024 tỷ lệ giải ngân ở Dự án 9 đã đạt 54,7% kế hoạch.
Nhiều công trình, dự án sử dụng nguồn vốn từ Dự án 9 đã và đang mở ra cơ hội lớn để đồng bào Chứt vươn lên. Điển hình như dự án trồng lúa nước ở bản Lòm (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa) có tổng mức đầu tư trên 6 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn; hướng tới mục tiêu đồng bào Chứt ở bản được cấp đất trồng lúa nước, làm chủ được lương thực.
Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719 đã phát huy hiệu quả, tác động tích cực đến mọi mặt kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Quảng Bình. Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống đồng bào cũng từng bước được nâng lên.
Hiện nay 100% xã vùng đồng bào DTTS&MN có đường ô tô vào đến trung tâm. Chỉ số thu nhập bình quân đầu người đã được nâng lên trên 23 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS ở Quảng Bình đã giảm bình quân 8,2%/năm.