Khu vườn tràn ngập hoa hồng trên sân thượng của chị Chí. |
Vườn hồng trên “mái nhà”
Cuối tuần, chị Châu Hữu Chí (SN 1980, quận Gò Vấp, TP.HCM) lên sân thượng, vùi mình trong vườn hoa hồng rực rỡ sắc màu. Dưới tán cây, chị bón phân, tỉa lá, cắt những đóa hồng sực nức hương thơm để cắm trong nhà.
Đối với chị, hoa hồng có một sức hút kỳ lạ. Thế nên, chị đam mê loài hoa này từ nhỏ. Tuy vậy, chỉ khi lập gia đình, sinh con, cuộc sống ổn định, chị mới có thời gian thỏa mãn đam mê.
Khu vườn của chị có nhiều loài hoa hồng cổ, hồng ngoại nhập đẹp, giá trị. |
Ban đầu, chưa có kinh nghiệm, chị Chí trồng thử nghiệm hoa hồng Sa Đéc. Chị đặt các chậu hồng ngoài ban công để cây có đủ nắng trong ngày. Tuy vậy, do nhà chị nằm ở hướng Bắc, 6 tháng cuối năm, ban công nhà không có đủ nắng hoặc nắng rất yếu.
Điều này khiến những gốc hồng của chị mọc rất yếu, cho hoa nhỏ, nhạt màu. Không từ bỏ ý định, chị quyết định cải tạo sân thượng để chuyển hết hoa hồng lên đây cho cây đủ nắng. Chị kể: “Những ngày đầu, tôi nghĩ trồng hoa hồng đơn giản lắm, chỉ cần tưới nước là cây sẽ cho hoa”.
Loài hồng có tên Corail Gelee Rose. |
“Thời điểm ấy, tôi mê lắm, thấy giống hoa hồng nào cũng thích, cũng muốn săn tìm cho bằng được. Kết quả là sau một năm, nhà tôi bị thấm dột, cây chết nhiều. Cây sống thì sâu bệnh, tôi phải bón, phun hàng tá loại phân, thuốc…”, chị kể thêm.
Một năm đầu trồng hoa, chị Chí chỉ nhận về thất bại, chán nản. Có lúc chị tưởng chừng muốn buông xuôi. Thế nhưng, đam mê, duyên nợ của chị với loài hoa có sắc đẹp mê hoặc lòng người vẫn nguyên vẹn. Chị quyết định cải tạo lại 50m2 sân thượng để trồng hoa.
Hồng Amadine Chanel... |
Chị chống thấm lại nền khu vườn trên “mái nhà”, đảm bảo nước phải thoát tốt xuống miệng cống, không ứ đọng. Chị thiết kế kệ sắt làm nơi đặt các chậu hồng lên cao. Đây là cách giúp cây thoát nước tốt vào mùa mưa, tránh các loại nấm bệnh.
“Hoa hồng luôn cần ánh nắng tự nhiên nên tôi đặt cây gần lan can để cây hứng trọn ánh nắng mặt trời. Khi hoa nở, tôi bê vào dưới mái che để ngắm được lâu hơn. Chuẩn bị xong vị trí, tôi lựa chọn các giống hoa hồng phù hợp với khí hậu miền Nam. Bởi có những loại hồng bị nhạt màu, mất dáng khi về xứ nóng”, chị kể thêm.
Sau thời gian nghiên cứu, chị Chí quyết định giảm số lượng cây trong vườn để hồng thông thoáng, dễ phát triển, sinh trưởng tốt. |
Sau 5 năm trồng, chăm sóc, hiện nay, khu vườn trên sân thượng của chị có khoảng 70 gốc hoa hồng nội, ngoại nhập. Đặc biệt, tại đây có những gốc hồng cổ như hồng cổ Sapa, hồng cổ Hải Phòng… Mỗi tháng trong năm, khu vườn luôn cho chị những mùa hoa rực rỡ, ngào ngạt hương thơm.
Chốn vui chơi, gần gũi thiên nhiên mùa dịch
Thời gian đầu, do chưa nắm rõ đặc tính sinh trưởng của hoa hồng, chị Chí luôn cố gắng tăng số lượng cây trong vườn. Lúc này, vườn hoa hồng dường như chiếm hết thời gian rảnh rỗi của chị. Để duy trì vườn hồng, chị luôn phải lọ mọ trên sân thượng tưới cây, nhặt lá, bắt sâu, bón phân, xịt thuốc...
Thời gian rảnh, chị Chí đều lên vườn ngắm cây, thưởng hoa. |
Cuối cùng, chị nhận thấy rằng cần phải tạo không gian thoáng mát cho các gốc hồng của mình để cây sinh trưởng, phát triển tốt nhất. Chị bắt đầu giảm số lượng gốc hồng trong vườn và chú trọng giữ lại những giống hoa hồng đẹp, dễ chăm sóc, chịu nóng giỏi.
Lúc này, công việc chăm vườn của chị nhàn hơn. Chị cũng có nhiều thời gian hơn để cùng con ngắm hoa, chơi đùa giữa vườn hồng rực rỡ sắc màu. Khi vườn hoa hình thành, các thành viên của gia đình chị Chí đều ngỡ ngàng và bất ngờ trước vẻ đẹp của nó.
Sau này, chị trồng thêm rau, củ, quả để các con có chỗ vui chơi, gần gũi thiên nhiên. |
Chị Chí chia sẻ: “Ban đầu, tôi trồng hoa hồng để thỏa mãn đam mê bản thân. Nhưng nếu chỉ trồng vì đam mê của riêng mình thì chừng ấy chưa đủ để tôi kiên trì trong một thời gian dài như vậy. Tôi còn trồng, chăm khu vườn ấy vì các con và những thành viên khác trong gia đình”.
“Đặc biệt, khi dịch bùng phát, các con của tôi không được ra khỏi nhà. Lúc này, khi mình có 1 mảnh sân vườn xanh mát, đầy hương hoa trong chính ngôi nhà mới thấy hết giá trị cuộc sống của nó. Các con của tôi được ngắm nhìn, chơi đùa trong mảng xanh do chính tay mẹ các bé tự tạo ra. Như thế, các bé sẽ biết trân trọng và yêu quý thiên nhiên hơn”, chị nói thêm.
Các bé tỏ ra rất thích thú khi được cùng mẹ chăm sóc, thu hái cây trái trong khu vườn nhỏ vào mỗi cuối tuần. |
Với suy nghĩ ấy, mùa dịch, chị quyết định trồng thêm nhiều loại rau, củ, quả trong vườn hoa hồng. Tích góp kinh nghiệm từ những tháng năm trồng hoa hồng trên sân thượng, chị Chí trồng trong khu vườn nhỏ của mình nào là dưa hấu vàng, mướp, bầu hồ lô, cải ngọt, rau thơm, ớt…
Mỗi ngày, đợi con học trực tuyến xong, chị lại cùng các bé lên vườn chăm cây, ngắm hoa, chờ đợi trái chín. Cuối tuần là lúc chị và cả nhà cùng nhau thu hoạch rau củ, quả tự tay mình trồng được.
Hoa và cây trái trong vườn chị Chí luôn đảm bảo an toàn vì chị không dùng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. |
Chị chia sẻ: “Khi vườn hoa hồng hình thành, mỗi lúc hoa nở rộ là các bé lại chạy lên vườn chơi rồi trầm trồ khen hoa đẹp. Sau này, khi vườn có thêm rau, trái, các bé càng thích hơn".
"Cuối tuần, khi cây trái chín, chúng tôi thường cùng các bé lên vườn thu hái. Những lúc như thế, các con rất vui và thích thú”, chị nói thêm.
Bài: Nguyễn Sơn
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Vườn hồng rực rỡ quanh năm trên sân thượng của một gia đình ở TPHCM
Tận dụng diện tích sân thượng trước và sau nhà, cả ban công, chị Hằng bố trí trồng 50 gốc hồng khác nhau, làm khu vườn tràn ngập hương sắc để tô điểm không gian sống và thư giãn tinh thần.