Vườn Quốc gia Lò Gò Xa Mát là khu vườn nổi tiếng nằm trong địa phận của 4 xã bao gồm xã Tân Bình, xã Hòa Hiệp, xã Thạnh Tây và xã Tân Bình. 4 xã này đều thuộc tỉnh Tây Ninh và cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 130km, cách thành phố Tây Ninh khoảng 50km về phía Bắc.
Tổng diện tích vùng lõi Vườn quốc gia là 29.997,87 ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 10.615,29 ha; phân khu phục hồi sinh thái 19.256,78 ha và phân khu dịch vụ - hành chính 125,8 ha. Tổng diện tích vùng đệm Vườn quốc gia 23.500 ha thuộc 6 xã Tân Lập, Tân Bình, Hoà Hiệp, Thạnh Tây, Thạnh Bắc và Thạnh Bình nằm trên địa bàn huyện Tân Biên.
Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa nam Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ xuống vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có các dạng địa hình đồi thấp, bàu, trảng đất ngập nước theo mùa, các sông, suối tự nhiên... những đặc trưng đó chỉ có ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát mà các Vườn quốc gia khác không có.
Tại Vườn Lò Gò Xa Mát có hệ sinh thái vô cùng đa dạng với rất nhiều động, thực vật quý hiếm. Có thể nói, đây chính là ngôi nhà, là nơi trú ẩn của hàng ngàn sinh vật, có cả những loài động thực vật được ghi danh trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Về thực vật rừng đã xác định, có đến hơn 700 loài thực vật, bao gồm cả sến cát, bằng lăng, gõ mật, cẩm lại, gõ cà te, giáng hương, mạc nưa, vên vên,... Thành phần loài cây có vị thuốc của Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát đã xác định được 486 loài (chiếm 70,0% tổng số loài hiện có của Vườn quốc gia, 322 chi (81,5% tổng số chi), 104 họ (90,4% tổng số họ) của 4 ngành (80% tổng số ngành). Trong đó xác định được 18 loài cây thuốc có giá trị bảo tồn theo thang đánh giá của Sách đỏ Việt Nam (2007), Danh lục đỏ của IUCN (2013) và Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ, và 10 loài cây thuốc nằm trong Danh mục vị thuốc Y học cổ truyền của Bộ Y tế (2013).
Tại vườn cũng có một số lượng lớn động vật với 28 loài ếch, 88 loài cá, 58 loài bò sát, 128 loài côn trùng và vô vàn loài chim di cư từ sông Cửu Long về để sinh sản. Khi tham quan Vườn Quốc gia Lò Gò Xa Mát, du khách có dịp bắt gặp nhiều loại động vật trong sách đỏ như voọc chà vá chân đen, chim nước Giang Sen, sếu đầu đỏ, voọc bạc Đông Dương, gấu ngựa, khỉ đuôi lợn….
Dọc theo hơn 20km đường sông - đường ranh giới tự nhiên giữa Việt Nam và Campuchia, là nơi cư trú những loài chim quí hiếm, phân bố hẹp, đặc hữu vùng, những loài đang bị nguy cấp hay bị đe dọa ở cấp quốc gia và qui mô toàn cầu như Gà lôi hông tía (Lophura diardi), Già đẫy Java (Leptoptilos javanicus), Chích chạch má xám (Macronous kelleyi), Sếu cổ trụi (Sếu đầu đỏ) (Grus antigone sharpii), Cò nhạn (Anastomus oscitans), Hạc cổ trắng (Ciconia episcopus). Đuôi cụt bụng vằn (Pitta elliotii) và Sả mỏ rộng (Halcyon capensis) và mới đây phát hiện thêm Le khoang cổ, nơi đây còn là nơi dừng chân của một số loài chim di cư.
Ngoài giá trị tự nhiên, trong lòng rừng còn lưu giữ các di tích lịch sử quan trọng như Căn cứ Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cùng với các bia di tích cách mạng của Thông tấn xã Giải phóng, Đài phát thanh Giải phóng, Hãng phim Giải phóng… Bên cạnh đó, VQG còn nằm trong một quần thể liên hoàn với Căn cứ Trung ương Cục miền Nam , Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam , Mặt trận Giải phóng miền Nam . Đây là những lợi thế để phát triển hình thức du lịch về nguồn.
Đây là những lợi thế không phải nơi nào cũng có. Vì vậy tỉnh Tây Ninh chủ trương vừa đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn sinh thái vừa bảo tồn sinh thái để tạo lợi thế phát triển du lịch.
Hiện VQG Lò Gò – Xa Mát đang phát triển hai loại hình du lịch chủ yếu là du lịch về nguồn và du lịch “phượt” cho du khách. Hình thức du lịch dã ngoại về nguồn chủ yếu dành cho học sinh, sinh viên và các cán bộ, cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa, tận hưởng không khí thiên nhiên. Trong đó hình thức tổ chức du lịch “phượt” mang tính chất hoang dã, mạo hiểm thu hút được khá nhiều bạn trẻ. Du khách tổ chức thành nhóm để hưởng không khí sinh hoạt trong rừng, tổ chức du lịch trên sông, gắn với câu cá, mò chem chép…