Nằm sâu trong vùng lõi rừng già thuộc Khu bảo tồn Kon Chư Răng – một khu rừng nguyên sinh trải trên đất của 4 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Quảng Ngãi, Bình Định, thác K50 (hay còn gọi là thác Hang Én) được ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng” bởi vẻ hoang sơ, thuần khiết. Thời điểm được xem là lý tưởng để du khách chinh phục thác K50 là vào mùa khô, từ tháng 3 tới tháng 7 hàng năm.
Để chinh phục được vẻ đẹp của “nàng công chúa” K50, anh Nguyễn Anh Chiêm - một du khách từ Hà Nội đã lái xe hơn 1000 km tới Gia Lai. “Tôi và bạn đồng hành di chuyển bằng ô tô cá nhân để hạn chế tiếp xúc người lạ, phòng tránh dịch Covid-19. Hai anh em thay nhau lái xuyên đêm. Mất khoảng 20 giờ di chuyển, chúng tôi đến Gia Lai. Sau khi nghỉ ngơi một đêm, tôi bắt đầu cùng đoàn lên đường chinh phục con thác”, anh Chiêm chia sẻ.
Đoàn anh Chiêm đi tới Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng rồi di chuyển vào chân thác K50 bằng xe máy chuyên dụng. Trước đây, du khách muốn tới chân thác phải băng qua những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, nhiều đoạn phải vượt ghềnh đá cheo leo, mất khoảng 7 - 10 tiếng di chuyển. Nhưng giờ đây, đường di chuyển đã tiện lợi hơn.
Anh Chiêm và cả đoàn chọn một điểm bằng phẳng ngay chân thác để cắm trại và nghỉ lại giữa rừng trong hai đêm. “Thông thường mọi người chỉ ở lại một đêm nhưng tôi muốn chiêm ngưỡng và ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng của con thác nên quyết định ở lại hai đêm”, anh Chiêm cho biết.
Trong cảm nhận của anh Chiêm, ngọn thác K50 cao như một tòa cao ốc, nước đổ ầm ầm, tung bọt trắng xóa. “Tôi từng tới K50 một lần và vẻ đẹp nơi đây khiến tôi luôn ngóng chờ dịp hội ngộ. Xuyên suốt một năm dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, tôi đau đáu chờ ngày được đến K50”, anh chia sẻ.
“Ngày đầu tiên tới thác, trời đột ngột chuyển mưa. Cơn mưa dai dẳng khiến tôi không thể chụp bất cứ bức ảnh này, trong lòng vô cùng sốt ruột. Thế nhưng, điều bất ngờ là sau cơn mưa, sáng hôm sau, con thác như thay áo mới, đẹp huyền ảo từ bầu trời, khu rừng tới dòng nước chảy”, anh Chiêm nhớ lại.
Linh Trang - Ảnh: Nguyễn Anh Chiêm