Số liệu nêu trên là một nội dung trong “Báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam 2019 - VNNIC 20 năm phát triển cùng tài nguyên Internet Việt Nam” vừa được Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) chính thức công bố.
Báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam 2019 là ấn phẩm đặc biệt tái hiện bức tranh toàn cảnh về sự phát triển tài nguyên Internet tại Việt Nam trong 20 năm qua và cũng là chặng đường VNNIC đã đồng hành cùng sự phát triển Internet Việt Nam (Ảnh: Khánh Huyền) |
Được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2012, từ đó cho đến nay báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam đã trở thành báo cáo thường niên cung cấp số liệu và kết quả phát triển tài nguyên Internet hàng năm của Việt Nam, qua đó phản ánh về hoạt động Internet và sự tăng trưởng của kinh tế Internet Việt Nam.
Là ấn phẩm đặc biệt hướng tới kỷ niệm 20 năm thành lập VNNIC (28/4/2000 – 28/4/2020), báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam 2019 tái hiện bức tranh toàn cảnh về sự phát triển tài nguyên Internet tại Việt Nam trong chặng đường 20 năm qua cũng là hành trình VNNIC đồng hành với sự phát triển chung của Internet Việt Nam.
Trao đổi với ICTnews, Giám đốc VNNIC Trần Minh Tân nhấn mạnh, tài nguyên Internet là yếu tố quan trọng, quyết định cho sự phát triển của Internet. Trong hơn 20 năm qua, sự phát triển của Internet Việt Nam luôn gắn bó mật thiết với sự phát triển của tài nguyên Internet.
“Phía sau các mốc tăng trưởng bùng nổ của Internet tại Việt Nam những năm vừa qua là sự phát triển về tài nguyên Internet và hoạt động an toàn, ổn định của hệ thống kỹ thuật hạ tầng Internet quốc gia: hệ thống DNS quốc gia, trạm trung chuyển Internet quốc gia. Với 20 năm phát triển của Internet Việt Nam, VNNIC cũng đã đồng hành với hành trình đó, đóng góp cho cộng đồng một hạ tầng Internet ổn định, bền vững”, ông Trần Minh Tân nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện VNNIC, tên miền, địa chỉ IP và số hiệu mạng là các tham số định danh cho các thực thể tham gia vào hoạt động Internet, đóng vai trò nền tảng cho sự vận hành, phát triển của Internet. Vai trò này càng trở nên quan trọng trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 khi Internet là nền tảng hạ tầng cho nền kinh tế số, tài nguyên Internet càng phát huy vai trò quan trọng, đảm bảo sự phát triển Internet quốc gia.
Với công tác quản lý nhà nước, tài nguyên Internet là điều kiện tiên quyết để triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước: Cổng thông tin điện tử điều hành, dịch vụ công trực tuyến, Chính phủ điện tử, thành phố thông minh... Còn với sự phát triển kinh tế, xã hội, tên miền, địa chỉ là nền tảng để phát triển các website, mạng xã hội, phát triển thương mại điện tử.
Một số điểm nhấn về sự phát triển của tài nguyên Internet Việt Nam tính đến ngày 31/10/2019, theo số liệu thống kê của VNNIC. |
Trải qua 20 năm, với sứ mệnh xuyên suốt là quản lý và thúc đẩy sử dụng tài nguyên Internet tại Việt Nam, VNNIC đã phát triển được số lượng tên miền, địa chỉ IP ấn tượng.
Trong đó, về tài nguyên tên miền, theo báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam 2019, thời gian đầu khi Internet mới xâm nhập vào Việt Nam, số lượng tên miền quốc gia “.VN” chỉ dừng lại ở con số vài chục tên miền. Giai đoạn 2000 – 2003, khi VNNIC được thành lập, tiếp quản việc phân bổ đăng ký sử dụng tên miền “.VN”, số lượng tên miền “.VN” tăng trưởng trung bình trên 100%/năm, đạt 5.478 tên miền vào năm 2003.
Đến năm nay, tên miền quốc gia “.VN” đã vượt con số 500.000 tên miền, gấp khoảng 1.000 lần so với ngày đầu VNNIC thành lập. Đặc biệt, năm 2019 tên miền “.VN” tiếp tục là tên miền quốc gia có số lượng đăng ký sử dụng lớn nhất ASEAN và có tên trong Top 10 khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Về địa chỉ IP, tính đến tháng 11/2019, số lượng địa chỉ IPv4 Việt Nam sở hữu đạt 16.001.024 địa chỉ, đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, đứng thứ 8 châu Á và đứng thứ 29 toàn cầu. Với địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6, sau 10 năm thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, Việt Nam hiện là quốc gia có kết quả ứng dụng triển khai IPv6 nổi bật. Theo số liệu của Tổ chức quản lý địa chỉ IP khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APNIC), hiện tỷ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đạt gần 40%, đứng thứ 2 ASEAN, thứ 8 toàn cầu với hơn 21.000.000 người sử dụng Internet.
Báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam 2019 cũng cho thấy, bên cạnh kết quả ấn tượng về phát triển tài nguyên Internet, một thành tựu quan trọng của VNNIC chính là đã đảm bảo khả năng hoạt động bền bỉ của hệ thống hạ tầng Internet trọng yếu quốc gia: Hệ thống máy chủ tên miền (DNS) quốc gia; và Trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX.
Liên tục trong 20 năm qua, hai hệ thống này luôn hoạt động ổn định, an toàn, không gián đoạn, chưa một lần xảy ra sự cố ảnh hưởng tới hoạt động Internet Việt Nam. Hiện tại, hệ thống DNS quốc gia Việt Nam gồm 7 cụm máy chủ, trong đó 5 cụm máy chủ đặt trong nước, 2 cụm máy chủ đặt ở nước ngoài tại nhiều điểm trên thế giới, đảm bảo thông suốt, an toàn cho các hoạt động trên Internet. Các công nghệ đảm bảo an ninh an toàn mạng lưới như Anycast, DNSSEC, IPv6 cũng đã được ứng dụng triển khai trên các hệ thống hạ tầng Internet trọng yếu.
Với VNIX, trong giai đoạn 5 năm đầu Việt Nam kết nối Internet, hiện trạng khách hàng của các ISP trong nước truy cập sang mạng của ISP khác hết sức khó khăn do lưu lượng phải đi vòng ra quốc tế. Nguyên nhân một phần do băng thông Internet quốc tế của Việt Nam còn thấp và kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ Internet chưa được thực hiện.
Năm 2003, Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) đã giao VNNIC thiết lập Trạm trung chuyển Internet quốc gia - VNIX, kết nối các doanh nghiệp Internet Việt Nam theo mô hình trung lập phi lợi nhuận. Trải qua 16 năm, VNIX đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển Internet Việt Nam, kết nối các doanh nghiệp, giúp giảm thiểu chi phí, đảm bảo tối ưu về chất lượng dịch vụ và an toàn hạ tầng Internet quốc gia.