Dưới góc máy flycam, núi lửa Chư Đăng Ya Gia Lai nổi tiếng càng thêm phần huyền ảo khi ẩn hiện giữa biển mây trắng xóa.
Đặng Đoàn Sang (31 tuổi, quê ở Quảng Ninh) đã có khoảng thời gian tuyệt vời ở Indonesia với hành trình “để đời” và thử thách nhất trong các chuyến đi từng thực hiện từ trước đến nay.
Đó là khám phá Kawah Ijen - hồ axit lớn nhất thế giới và chinh phục Bromo – một trong 5 ngọn núi lửa đang hoạt động đẹp nhất châu Á, nằm ở phía đông đảo Java.
Java nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương. Trên đảo hiện có khoảng 40 ngọn núi lửa đang hoạt động. Trong đó, Bromo – ngọn núi lửa nằm lọt thỏm trong vườn quốc gia Bromo Tengger Semeru - là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng, thu hút rất đông du khách nước ngoài tới trải nghiệm hàng năm.
Tới đảo Java, ngoài chinh phục núi lửa Bromo, du khách còn kết hợp khám phá hồ axit Kawah Ijen (thuộc khu vực núi lửa Ijen, xen giữa cao nguyên Bondowoso và Banyuwangi), nằm ở độ cao 2.300m so với mực nước biển.
Mặt hồ Kawah Ijen mang màu xanh lam ngọc, luôn được bao phủ bởi một làn khói trắng đậm đặc và không khí có mùi trứng ung (mùi của hợp chất hydrogen sulfide). Trong hồ chứa tới 36 triệu m3 dung dịch axit.
Đoàn Sang cho biết, để tới Indonesia, anh chọn bay nối chuyến từ Hà Nội tới Bali, quá cảnh ở sân bay Changi (Singapore) rồi tiếp tục bay đến sân bay quốc tế Ngurah Rai, Indonesia.
Tại đây, 9X đặt land-tour (một dạng tour trọn gói dịch vụ tại điểm đến của hành trình, không bao gồm chi phí vé máy bay/phương tiện di chuyển tới địa điểm đó) tới hai địa điểm là núi lửa Bromo và hồ axit Kawah Ijen.
“Mình và nhóm bạn xuất phát từ Bali, ngồi xe vượt quãng đường dài khoảng 450km, tốn hơn 9 tiếng đồng hồ mới đến được chân núi Bromo. Tắm rửa nghỉ ngơi xong, chừng 23h, cả nhóm tiếp tục di chuyển bằng xe Jeep trong 2 giờ để tới điểm cắm trại ở ngọn núi đối diện - vị trí có thể ngắm toàn cảnh núi lửa Bromo.
Tại đây, chúng mình hạ lều, ngủ qua đêm dưới cái lạnh khắc nghiệt khoảng 7-8 độ C, rồi thức dậy lúc 4h sáng để đón bình minh. Sau đó, chừng 8h sáng tiếp tục lên xe Jeep di chuyển khoảng 45 phút nữa để tới điểm trekking lên đỉnh núi”, Sang chia sẻ về khó khăn đầu tiên trong hành trình chinh phục núi lửa Bromo.
Theo chàng trai trẻ, từ điểm trekking, du khách sẽ mất khoảng 1 giờ đồng hồ để lên được đỉnh núi. Từ điểm này, nhóm phải băng qua một sa mạc cát nắng nóng và khói bụi chừng 2km, sau đó leo thêm 250 bậc thang mới tới được miệng núi lửa Bromo.
“Khó khăn cuối cùng, là khi đã lên trên đỉnh núi, bạn sẽ thấy khó thở do lượng oxy thấp và mùi khí SO2 tỏa ra rất khó chịu. Nhiều du khách không chịu được đã phải quay đầu, di chuyển xuống núi luôn”, 9X nói thêm.
Tuy trải qua nhiều khó khăn suốt hành trình dài khá tốn sức lực, nhưng Sang thừa nhận, khung cảnh trên đỉnh núi lửa Bromo khiến bất cứ du khách nào cũng cảm thấy mọi mệt mỏi như tan biến hết.
Đứng từ đây, anh nghe thấy những âm thanh kỳ lạ từ miệng núi lửa như tiếng gào thét và rên rỉ, với những cột khói trắng bốc lên cao, tạo khung cảnh vừa ấn tượng, vừa ma mị.
Chàng trai quê Quảng Ninh cho hay, khoảng thời gian chiêm ngưỡng đỉnh núi Bromo đẹp nhất là vào lúc bình minh, khi mặt trời vừa ló rạng. Vì vậy, nhóm bạn quyết định cắm trại, ngủ đêm ở ngọn núi đối diện để kịp thức dậy lúc sáng sớm, không bị tốn sức.
Du khách cũng có thể lựa chọn lưu trú tại những homestay dưới chân núi Bromo rồi 3h sáng bắt đầu đi xe lên điểm ngắm bình minh. Tuy nhiên, với phương án này, khi tới nơi, du khách có thể gặp rủi ro bị tắc đường do lượng người và xe đổ về đây rất đông, chưa kể đường đèo khá hẹp chỉ vừa chỗ cho hai ô tô tránh nhau.
“Và khi lên tới nơi, bạn sẽ phải chen chúc xếp hàng để có được vị trí đẹp, thuận tiện cho việc ngắm cảnh và chụp hình”, Sang kể.
Vì Bromo là ngọn núi lửa vẫn đang hoạt động, nên du khách khi tới đây cần tuyệt đối tuân thủ các quy định như không leo trèo, tự ý chạy nhảy hay di chuyển quá xa khu vực cho phép để đề phòng rủi ro.
Lần phun trào gần đây nhất của Bromo vào đầu năm 2011 đã khiến hai du khách thiệt mạng và nhiều sân bay trong vùng đóng cửa.
Sau chuyến chinh phục núi lửa Bromo, Sang và nhóm bạn còn dành thời gian khám phá Kawah Ijen - hồ axit lớn nhất thế giới cũng như dạo chơi ở Bali, trải nghiệm những cung đường, bãi biển đẹp tại đây.
Tổng chi phí cho chuyến đi dài 5 ngày 4 đêm vào khoảng 16 triệu đồng, bao gồm: 5 triệu đồng tiền vé máy bay khứ hồi; 5 triệu đồng tiền land-tour và chừng 6 triệu đồng cho dịch vụ ăn uống, lưu trú và di chuyển tại các điểm đến…
Ảnh: Sang Doan Dang