Lời tòa soạn: Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, Báo VietNamNet mở mục “Đóng góp ý tưởng Chuyển đổi số”, góp phần lan tỏa những kinh nghiệm tốt, những bài học hay, các nhân vật tiêu biểu và những câu chuyện cả thành công và chưa thành công của các cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp cũng như người dân trong hành trình chuyển đổi hoạt động lên môi trường số.

Trong chuyển đổi số, các doanh nghiệp sẽ đầu tư để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số nhằm tư duy lại về doanh nghiệp xoay quanh công nghệ số. Một chiến lược chuyển đổi số hiệu quả sẽ nâng cao trải nghiệm khách hàng và cách thức vận hành ở hậu trường.

Một khi hành trình chuyển đổi số bắt đầu, doanh nghiệp có thể sử dụng các sản phẩm và dữ liệu mới để xác định cơ hội tăng trưởng mới. Hai ví dụ dưới đây của Walmart và Ford cho thấy, các công ty không chỉ tạo ra một ứng dụng, mà còn thực sự nghĩ lại về các nỗ lực chuyển đổi số sẽ hỗ trợ tăng trưởng bền vững như thế nào.

(Ảnh: Amplitude)

Walmart

Là một đại gia bán lẻ truyền thống, Walmart bắt đầu chuyển đổi số khi mở một chợ điện tử. Dù vậy, chuyển đổi số vẫn đang diễn ra, không dừng lại ở website ban đầu. Chuyển đổi số đồng nghĩa doanh nghiệp phải tái tập trung công việc xoay quanh công nghệ số, cả ở nội bộ lẫn bên ngoài.

Walmart viết ứng dụng di động và website để khách hàng có thể mua hàng hóa qua mạng. Sau khi phân tích hành vi khách hàng từ ứng dụng, họ bổ sung các dịch vụ như nhận hàng trong ngày, đặt hàng di động, mua trước trả sau.

Để có thể chuyển đổi số thành công, Walmart ưu tiên khả năng tiếp cận dữ liệu cho tất cả mọi người trong nhóm. Phá bỏ các khoảng cách giữa từng nhóm, cho phép nhân viên hành động nhanh và cụ thể để nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Giám đốc Tiếp thị di động Walmart – Sherry Thomas-Zon – nhận xét dữ liệu và khả năng tiếp cận dữ liệu vô cùng quan trọng với các hoạt động số. “Nhóm tiếp thị và sản phẩm của chúng tôi luôn nhìn vào các con số. Bạn không thể làm việc nhanh chóng nếu không có công cụ phân tích và dữ liệu dịch vụ cho tiếp thị, đặc biệt trong một tổ chức lớn như Walmart. Nó giúp nhóm của chúng tôi hoạt động nhanh nhạy, bất chấp quy mô và lượng dữ liệu thu thập, phân tích ngày một lớn”.

Ford

Ford theo đuổi nhiều sáng kiến chuyển đổi số, bao gồm dùng công nghệ để chuyển đổi và cải thiện quy trình tại một trong các nhà máy lớn nhất của hãng. Nếu không có sẵn linh kiện, công việc của công nhân sẽ bị trì hoãn và làm chậm quy trình sản xuất. Vì thế, Ford giới thiệu hệ thống theo dõi khối lượng của các linh phụ kiện khác nhau, đảm bảo chúng luôn có đủ khi cần thiết.

Năm 2016, nhà sản xuất xe hơi Mỹ mang đến ứng dụng FordPass cho khách hàng. Nó giúp chủ xe Ford điều khiển phương tiện từ xa. Chẳng hạn, tài xế có thể theo dõi mức xăng, mở/khóa xe ngay trên điện thoại.

Ford tận dụng dữ liệu từ hành vi của người dùng trên ứng dụng để nâng cấp trải nghiệm trên chính nó. Đầu tiên, nhóm sản phẩm sẽ nhóm các khách hàng dựa trên hành vi của họ. Sau đó, dựa trên hoạt động của mỗi nhóm, Ford sẽ cá nhân hóa trải nghiệm để mang đến giá trị cao hơn cho khách hàng.

Điểm chung của Ford và Walmart là dùng chuyển đổi số để thu thập thông tin chi tiết về cách người dùng tương tác với sản phẩm. Sau đó, họ ra các quyết định dựa trên dữ liệu để mang nhiều giá trị hơn đến khách hàng.

Chuyển đổi số đồng nghĩa với thay đổi cách doanh nghiệp vận hành. Vì thế, nó đi cùng với hàng loạt thách thức và đòi hỏi nhiều công sức. Các bộ phận sẽ phải từ bỏ thói quen cũ, làm quen với cấu trúc và cách thức hợp tác mới, đón nhận vai trò mới và phát triển kỹ năng mới.

Mọi thứ đều mất thời gian và khi tích hợp hệ thống mới vào cái cũ, các bộ phận có nguy cơ gặp xáo trộn và chia cách. Một cách để vượt qua những khó khăn này là lên kế hoạch, đưa ra lộ trình chuyển đổi số từ trước, vạch chiến lược tích hợp và nêu chi tiết nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến từng nhóm. Tiếp theo, chia sẻ với toàn bộ công ty để mọi người dùng nó như điểm tham khảo. Dùng một công cụ quản lý dự án để các thành viên trong nhóm biết được “bức tranh lớn” và theo dõi các chi tiết như nhiệm vụ mà họ được giao. Doanh nghiệp nên đưa các kỹ năng số vào trong kế hoạch phát triển nhân viên của mình, cung cấp cơ hội để nhân viên học tập và theo sát tiến độ của họ.

Chuyển đổi số là một hành trình, không phải đích đến. Công nghệ mới và hành vi tiêu dùng mới luôn xuất hiện, vì thế, doanh nghiệp luôn trong trạng thái thử nghiệm và cải thiện. Một điều quan trọng cần ghi nhớ, đó là đặt khách hàng ở trung tâm của chiến lược. Hãy xem khách hàng như ánh sáng dẫn lối chuyển đổi số. Bạn càng thu thập được nhiều dữ liệu về khách hàng, bạn càng nâng cao được trải nghiệm cho họ. Nó sẽ dẫn đến niềm tin và lòng trung thành lớn hơn, đồng nghĩa với doanh thu bền vững.

Du Lam (Theo Amplitude)

Báo VietNamNet trân trọng cảm ơn và mời độc giả tiếp tục tham gia viết bài chia sẻ kinh nghiệm, kể những câu chuyện, sáng kiến cho chuyển đổi số quốc gia. Các bài viết vui lòng gửi về địa chỉ: banictnews@vietnamnet.vn.