Sau nhiều năm chung sống yên ả, một cuộc chiến mới giữa hai người khổng lồ công nghệ Apple và Microsoft đang bắt đầu trở lại như những ngày đầu của kỷ nguyên máy tính cá nhân nhiều thập kỷ trước.
Nhưng cuộc chiến này không chỉ là việc đối đầu giữa hai hãng công nghệ đắt giá nhất hành tinh mà nó còn lan sang cả các công ty cũng như khách hàng của họ.
Trong cuộc chiến pháp lý với hãng Epic Games, Apple đã tố cáo Microsoft chính là người đứng đằng sau giật dây cho vụ kiện của nhà sản xuất game này. Ngược lại, Epic Games tố cáo Apple có các hành vi phi cạnh tranh, còn Microsoft cũng hưởng ứng Epic khi chỉ trích Apple cố tình hạn chế dịch vụ cloud gaming của mình tiếp cận người dùng.
Không những thế, trong sự kiện giới thiệu Windows 11, CEO Satya Nadella còn cố tình châm chọc đối thủ khi nhắc đến sự kiểm soát mà Apple đang áp đặt lên cửa hàng ứng dụng trên iPhone dù không trực tiếp nhắc đến tên đối thủ.
"Thế giới cần một nền tảng cởi mở hơn – một nền tảng cho phép các ứng dụng trở thành những nền tảng theo ý muốn của mình." Ông Nadella cho biết trong sự kiện trực tuyến thứ Năm tuần trước.
Trong khi đó, Apple đang ra sức bảo vệ quyền kiểm soát ngặt nghèo của mình trên App Store khi cho rằng điều đó mang lại cho người dùng sự bảo vệ tốt hơn về quyền riêng tư và an ninh mạng. Nhưng các công ty chỉ trích họ, bao gồm Facebook và Epic, cho rằng công ty đang lạm dụng quyền lực của mình để kiểm soát khả năng tiếp cận hơn một tỷ người dùng iPhone.
Không trực tiếp ủng hộ hai công ty trên nhưng trong sự kiện mới đây, Microsoft xem mình như một đối tác tốt bụng và là người bảo vệ cho các nhà phát triển. Công ty liên kết với Amazon để đưa ứng dụng Android lên Windows 11, trái ngược với Apple đang nỗ lực "rào kín" bức tường quanh các thiết bị và ứng dụng của mình.
Ông Nadella tuyên bố trong sự kiện Windows 11, Microsoft sẽ trở thành nền tảng cho những nền tảng khác phát triển
Không những thế, trong sự kiện Windows 11 mới đây, Microsoft còn chọc một mũi dao khác vào sườn Apple khi thông báo các nhà phát triển có thể xây dựng cửa hàng ứng dụng và hệ thống thanh toán riêng cho mình ngay trên Windows 11 mà không phải trả phí hoa hồng cho Microsoft. Ngay cả khi phải sử dụng cửa hàng và hệ thống thanh toán của Microsoft, mức hoa hồng cũng được giảm xuống chỉ còn 15% - thấp hơn nhiều so với mức 30% mà Apple và Google đang thu của các nhà phát triển.
Điều này dường như trái ngược so với quá khứ khi chính Apple mới là hãng thường được xem một người bị bắt nạt đáng thương trong mắt những nhà sáng tạo nội dung khi chống lại những kẻ độc quyền áp bức.
Một cuộc chiến thế hệ mới đã bắt đầu
Cả Microsoft và Apple đều được xem là những công ty "cây đa, cây đề" trong làng công nghệ hiện đại khi cùng được sáng lập vào những năm 1970. Trong những năm sau khi thành lập cả Steve Jobs và Bill Gates đều không ngừng chỉ trích nhau trong mỗi động thái của mình. Dù cả hai đã công khai đình chiến từ năm 1997 khi Jobs quay trở lại Apple, nhưng cả hai vẫn thường châm chọc nhau mỗi khi có cơ hội.
Cho đến gần đây, khi cả hai công ty đều có những thế hệ lãnh đạo mới đi theo các hướng kinh doanh khác nhau, thù oán giữa hai bên dường như đã hết. Trong khi Microsoft tập trung vào phần mềm và điện toán đám mây với chủ yếu là khách hàng doanh nghiệp, Apple tiếp tục đầu tư vào thiết bị dành cho người dùng cá nhân như iPhone, iPad. Thậm chí Microsoft còn thiết kế lại bộ ứng dụng Office cho iPad cũng như máy tính Mac dùng chip M1 của Apple.
Giờ đây cả Apple và Microsoft đều là các siêu quyền lực trong thế giới công nghệ với giá trị vốn hóa đều trên 2.000 tỷ USD. Cả hai đều có khoảng 140.000 nhân viên trong bảng lương và cùng có doanh thu hàng năm trên 400 tỷ USD.
Thế nhưng đó chỉ là sự yên bình bề ngoài khi bên trong mâu thuẫn giữa hai bên đang âm ỉ cháy. Trong khi Apple đang củng cố quyền kiểm soát của mình đối với khả năng tiếp cận iPhone, Microsoft lại lên tiếng chỉ trích các hạn chế này khi nó ảnh hưởng xấu đến đà tăng trưởng bùng nổ của họ trong mảng game, đặc biệt là cloud gaming.
Thực tế tăng cường, chiến trường mới trong tương lai giữa Apple và Microsoft.
Thậm chí phó chủ tịch mảng Gaming và Giải trí của Microsoft, Lori Wright còn làm nhân chứng cho Epic trong vụ kiện với Apple để chứng thực việc dịch vụ stream game Game Pass Ultimate bị Apple chặn đưa lên App Store như thế nào. Theo bà, Apple đã có hành vi phân biệt đối xử khi chặn dịch vụ của Microsoft nhưng vẫn chấp thuận dịch vụ của nhiều công ty khác như Netflix.
Không chỉ mâu thuẫn trong mảng kinh doanh game, cả Apple và Microsoft đều chuẩn bị đối đầu nhau trong một sân chơi mới: các thiết bị đeo thực tế ảo và thực tế tăng cường – những thiết bị được xem như biên giới mới cho ngành công nghệ điện toán.
Microsoft đã bán ra các thiết bị đeo HoloLens nhưng doanh số không mấy khả quan. Trong khi đó các tin đồn cho biết, Apple vẫn đang phát triển các thiết bị đeo tương tự như vậy với thời điểm ra mắt trong không còn xa nữa.
Gene Munster, nhà phân tích tại quỹ Loup Ventures, người chuyên theo dõi các động thái của hai công ty từ nhiều năm nay cho biết: "Thực tế tăng cường thật sự rất quan trọng, và đó có thể là cánh cửa tiếp theo để Microsoft quay trở lại con đường tăng trưởng … và Apple rõ ràng muốn bảo vệ vị thế của họ trên sân chơi di động."
(Theo Pháp luật & Bạn đọc, Wall Street Journal)
Microsoft gia nhập câu lạc bộ 2 nghìn tỷ USD cùng Apple
Microsoft vừa ghi tên vào lịch sử khi trở thành công ty đại chúng Mỹ thứ hai, sau Apple, đạt giá trị vốn hóa 2 nghìn tỷ USD.