Sở hữu bóng không còn là mốt
Trong bóng đá, dữ liệu không phải lúc nào cũng mang tính kết luận. Nhưng thống kê World Cup 2022 phản ánh nhất định xu hướng về phong cách một số đội tuyển và cầu thủ.
Một trong những vấn đề nổi bật chỉ thẳng vào đội tuyển Tây Ban Nha, điều tân HLV Luis de la Fuente (thay Luis Enrique), sẽ phải suy nghĩ cho chặng đường đến EURO 2022.
Chỉ 23 trong số 62 trận đã đấu ở Qatar mà đội chiến thắng cầm bóng nhiều hơn. Thậm chí, kể từ vòng tứ kết, đội giành quyền đi tiếp luôn sở hữu bóng ít hơn đối phương.
Tây Ban Nha, trung bình 77%, dẫn đầu về kiểm soát bóng, theo dữ liệu từ Opta. Tiếp theo là Anh (63,58%) và Bồ Đào Nha (60,77%).
Hai đội tuyển đá chung kết World Cup 2022: Argentina đứng thứ 6 về cầm bóng với 58%; Pháp chỉ đứng thứ 14 với 52,50%.
Bất ngờ lớn của kỳ World Cup thứ 22 trong lịch sử, Maroc - đội bóng Ả Rập và châu Phi đầu tiên vào bán kết - có tỷ lệ giữ bóng 35,91%, chỉ nhỉnh hơn so với Nhật Bản - đội quật ngã Đức và Tây Ban Nha - và Costa Rica.
Không ai chuyền bóng nhiều như Rodri (684 đường chuyền; sau 4 trận), Brozovic (525; 6), Otamendi (501; 6) và Rodrigo De Paul (472; 6).
Trong khi đó, cầu thủ Pháp chuyền nhiều nhất là Tchouameni. Ngôi sao của Real Madrid thực hiện 398 đường chuyền cho đến trước trận chung kết.
Thật tuyệt khi có bóng, người hâm mộ muốn chứng kiến những trận cầu hào nhoáng, nhưng rõ ràng xu thế thực dụng đang được ưu tiên.
Hiệu suất dứt điểm của Julian Alvarez
Lượng kiểm soát bóng không tỷ lệ thuận với số lần dứt điểm. Đội cầm bóng nhiều nhất, Tây Ban Nha, thực hiện 49 pha dứt điểm trong 4 trận, ít hơn 3 lần so với Maroc (đá 6 trận). Anh tấn công khung thành đối phương 63 lần trong 5 trận; Bồ Đào Nha là 66 lần cũng trong 5 trận.
Đội tuyển Đức cầm bóng ít hơn và bị loại ngay từ vòng bảng, nhưng họ dứt điểm hơn đến 20 lần.
Ở Qatar, không đội nào sút bóng hay đánh đầu nhiều như Brazil (96 lần trong 5 trận), Pháp (92; 6) và Argentina (80; 6). Ba đội dứt điểm ít nhất là Costa Rica (12; 3), Qatar (20; 3) và Xứ Wales (24; 3).
Không phải ngẫu nhiên mà thứ hạng về số lần dứt điểm thuộc về hai ngôi sao đang dẫn đầu cuộc đua Vua phá lưới: Lionel Messi (27 lần trong 6 trận, với 14 pha chính xác) và Kylian Mbappe (25; 6; 11).
Cầu thủ chạy cánh Ivan Perisic của Croatia đứng thứ ba (16; 6; 4). Theo sau họ là tiền Olivier Giroud (16; 5; 6) và tài năng trẻ người Đức Jamal Musiala (12; 3; 3). Harry Kane gây thất vọng và Cristiano Ronaldo lạc lối đều không có trong top 10 cầu thủ dứt điểm tại giải.
Tỷ lệ chính xác thuộc về Julian Alvarez, số 9 của Argentina. Trong số 10 lần dứt điểm của anh, có 7 lần bóng đi chính xác và mang về 4 bàn thắng.
Số bàn thắng trung bình là 2,63 bàn/trận. Tổng cộng là 163 bàn sau 62 trận. Tỷ lệ này thấp hơn một chút so với kỳ World Cup trước ở Nga - 2,64 bàn/trận.
Ở Qatar, có 137 bàn thắng được thực hiện trong vòng cấm, 10 bàn đến từ ngoài vòng cấm, 14 bàn từ chấm phạt đền và 2 bàn khác trong cá pha đá phạt trực tiếp.
Có 80 bằng chân phải, 55 bàn bằng chân trái và 26 pha ghi bàn bằng đầu. Ngoài ra, có 2 bàn phản lưới của Enzo Fernandez (Argentina; trận Australia) và Nayef Aguerd (Maroc; Canada), so với tổng số 12 tình huống "đốt đền" ở World Cup trước.
Sự tuyệt chủng của những tay sút phạt
Dữ liệu tiết lộ rằng những người thực hiện quả đá phạt trực tiếp tuyệt chủng ở World Cup 2022.
Tại giải đấu này, các trọng tài thổi phạt trực tiếp ít hơn 35 lần so với World Cup 2018. Tại Nga, 7 trong số 84 cú sút phạt được chuyển thành bàn thắng, tương đương 8,33%.
Những cầu thủ đá phạt thành bàn 4 năm trước có Golovin (Nga), Kolarov (Serbia), Quintero (Colombia), Trippier (Anh), Ronaldo (Bồ Đào Nha), Toni Kroos (Đức) và Luis Suarez (Uruguay).
Trong những ngày hội tổ chức trên vùng Vịnh Ba Tư, trong số 49 tình huống phạt trực tiếp, chỉ có Rashford (Anh) và Luis Chavez (Mexico) được hưởng niềm vui ghi bàn.
Có nghĩa là hiệu suất ghi bàn từ các pha đá phạt trực tiếp chỉ là 4,08%.
Về tổng số lần phạm lỗi, dữ liệu không có quá nhiều sự thay đổi. Trung bình là 27,06 ở Nga và 24,66 tại Qatar. 4 năm trước, các trọng tài rút 219 thẻ vàng và 4 lần đưa ra quyết định trục xuất. Lần này là 211 thẻ vàng và có cùng số thẻ đỏ (không tính trường hợp HLV và trợ lý).
Hà Lan phạm lỗi nhiều nhất
Đội tuyển Hà Lan của Louis van Gaal chia tay World Cup 2022 với thành tích bất bại (không tính kết quả luân lưu; nếu tính cả kỳ Brazil 2014, Van Gaal giữ kỷ lục không thua 12 trận giải VĐTG), đồng thời phạm lỗi nhiều hơn bất kỳ ai.
Trong trận tứ kết giữa Hà Lan và Argentina, trọng tài Mateu Lahoz người Tây Ban Nha rút 16 thẻ vàng chia đều cho mỗi đội. Riêng Dumfries nhận 3 thẻ vàng, đồng nghĩa với thẻ đỏ và bị treo giò sau giải đấu.
Bất chấp việc Messi chỉ trích ông Lahoz nặng nề, thực tế là các cầu thủ Hà Lan bị thổi phạt 30 lần trong trận đấu ấy.
Trong suốt giải, Hà Lan đá 5 trận và bị thổi phạt 87 lần. Tiếp theo là Maroc (85 pha phạm lỗi trong 6 trận), Croatia (77; 6), Argentina (74; 6) và Brazil (63;5). Pháp chỉ bị thổi phạt 49 lần.
Các cầu thủ Argentina bị đối phương đá xấu nhiều nhất, lên đến 97 lần. Pháp bị phạm lỗi nhiều thứ hai, với 62 lần.
Vể mặt cá nhân, Messi bị đốn ngã nhiều nhất, với 20 nằm sân vì hành vi của đối phương. Đứng sau anh là Luka Modric. Đội trưởng vĩ đại của Croatia cùng Amrabat của Maroc có 13 lần bị phạm lỗi.
Đứng đầu danh sách cầu thủ bị trọng tài thổi phạt đều là những cầu thủ Hà Lan: Timber (4 trận) và Dumfries (5 trận) cùng phạm lỗi 17 lần.
Bù giờ trung bình 11,6 phút
Không tính các trận đấu có hiệp phụ, Ở World Cup 2022, cuộc tranh tài kéo dài nhất là Anh - Iran với 117 phút.
Trong các trận đấu được giải quyết trong hai hiệp chính, trung bình có 101,31 phút diễn ra. Như vậy, thời gian bù giời mỗi trận 90 phút là 11,31 phút.
Đối với các trận đấu kéo dài sang hiệp phụ, thời gian trung bình là 132 phút, nhiều hơn 12 phút so với dự kiến.
Tính toàn bộ giải đấu, sau 62 trận, các trọng tài cho bù giờ trung bình 11,6 phút mỗi trận.
Ngoài ra, trong 62 cuộc tranh tài ở Qatar, các chuyên gia VAR quyết định can thiệp vào 26 tình huống.
Xem ngay lịch thi đấu World Cup 2022 mới nhất tại đây!