Thời gian qua, các địa phương và Thanh tra Chính phủ liên tiếp công bố kết quả bốc thăm những người phải kiểm tra kê khai tài sản.
Xác minh việc kê khai tài sản là một trong những giải pháp phòng chống tham nhũng đã và đang được thực hiện. Một chủ trương đúng nhưng có lẽ vẫn cần thêm cách thực hiện khác trong xác minh tài sản bởi việc bốc thăm phần nào có yếu tố may rủi, đôi khi chỗ cần xác minh lại “bốc không trúng”.
Thực tế cho thấy, có không ít cán bộ chỉ qua một, hai nhiệm kỳ mà khối tài sản của họ đã đồ sộ.
Trong các vụ án vừa qua, khi khám xét nhà một số bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy, hay chỉ là chủ tịch thị xã đã lộ ra nhiều biệt thự hoành tráng, siêu xe đắt tiền, đất đai rộng lớn…
Chắc chắn, nếu xác minh kê khai tài sản đúng, làm quyết liệt, nghiêm chỉnh sẽ góp phần phát hiện tham nhũng. Chẳng hạn trước khi là cán bộ, tài sản có gì, sau hết nhiệm kỳ tăng giảm thế nào…
Quy định bốc thăm xác minh tài sản nêu trên xuất phát từ Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Nghị định trên có nhiều nội dung rất cụ thể, chỉ ra ngành nào, nơi nào cần tăng cường kê khai và có những giải pháp phù hợp.
Cụ thể, Nghị định 130 quy định việc phê duyệt và thực hiện kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm tối thiểu bằng 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của tỉnh, thành phố. Người cần xác minh được lựa chọn ngẫu nhiên và công khai bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính. Số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hàng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó có ít nhất 1 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Như vậy, với 20% lựa chọn ngẫu nhiên để xác minh tài sản, ít nhiều vẫn có yếu tố may rủi. Nói như ông Lê Như Tiến, nguyên Đại biểu Quốc hội: “Nếu bốc thăm, có khi bốc phải những người không có tài sản hoặc rất ít tài sản để xác minh. Trong khi, người có nhiều tài sản lại lọt”.
Xác minh tài sản kê khai là việc khó và càng khó hơn nếu làm sâu, làm rộng, làm kỹ tới từng trường hợp. Ngược lại, nếu chỉ xác minh tài sản qua bốc thăm, có lẽ là chưa đủ, khó đúng, trúng hết những địa chỉ cần xác minh.
Không những vậy, xác minh tài sản bên cạnh việc phát hiện khai báo không trung thực, tài sản lớn hình thành bất thường, ở khía cạnh nào đó còn là sự giải tỏa nghi vấn với những bị điều tiếng nhưng thực tế lại rất liêm khiết.
Chúng ta có rất nhiều cơ quan, đoàn thể có chức năng giám sát. Vì thế, nếu thực sự gần quần chúng, sát dân, đó sẽ là mạng lưới giám sát sâu, rộng, đủ giúp cho việc kiểm tra, xác minh có trọng tâm, trọng điểm, đúng và trúng.
Vậy nên, ngoài việc bốc thăm ngẫu nhiên, cũng cần kiểm tra, xác minh “đột xuất” với những người có dư luận giàu nhanh, được hệ thống giám sát từ cơ sở kiến nghị hay cơ quan truyền thông phản ánh.
Tai mắt quần chúng ở khắp nơi, vấn đề là tạo ra cách thức để người dân tham gia giám sát và thông qua các tổ chức thực hiện quyền giám sát một cách đúng luật. Khi đó, việc kiểm tra, xác minh kê khai tài sản là sự kết hợp nhiều biện pháp, nhiều hình thức, kỳ vọng kết quả đạt được sẽ cao hơn, góp phần tích cực hơn vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng.