“Bổ sung quy định xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại di động tại Việt Nam” là một nội dung mới, đang được Bộ TT&TT đề xuất quy định trong Nghị định thay thế Nghị định 72 năm 2023 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng cùng Nghị định 27 năm 2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định 72. Dự thảo Nghị định mới hiện đang được Bộ TT&TT lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Trong buổi họp báo thường kỳ tháng 9 của Bộ TT&TT, vấn đề xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội cũng là một nội dung được nhiều cơ quan báo chí quan tâm, đặt câu hỏi cho đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ.
Trao đổi về vấn đề này, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử thuộc Bộ TT&TT, ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh: Xác thực tài khoản mạng xã hội là một trong những giải pháp rất quan trọng để ngăn chặn tội phạm lừa đảo trực tuyến, chống lại nhận thức sai lầm của nhiều người dùng Internet, đó là coi “Không gian mạng là không gian ảo, và vì ảo nên lên mạng có thể nói, làm bất cứ điều gì, thậm chí là vi phạm pháp luật mà không sợ sự điều chỉnh của quy định pháp luật”.
Ở góc độ của cơ quan quản lý Nhà nước lĩnh vực an toàn thông tin mạng, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, cũng nhận định rằng việc bổ sung quy định về định danh, xác thực người dùng khi tham gia mạng xã hội là cần thiết và kịp thời. Bởi lẽ, việc này giúp người dùng nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình khi cung cấp, sử dụng thông tin lên mạng; đồng thời cũng giúp ngăn chặn, hạn chế tội phạm lừa đảo trên không gian mạng trước xu hướng ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, việc xác thực người dùng sẽ tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng giám sát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. “Việc bổ sung quy định xác thực người dùng bằng số điện thoại di động cũng là để phù hợp, đồng bộ với các quy định hiện hành và hiện trạng thực tế triển khai của các mạng xã hội”, ông Nguyễn Duy Khiêm phân tích.
Đại diện Cục An toàn thông tin cho biết thêm, thực tế hiện nay, các mạng xã hội xuyên biên giới cũng như mạng xã hội của Việt Nam đang áp dụng các biện pháp xác thực người dùng bằng số điện thoại, email hay sử dụng tài khoản mạng xã hội khác để xác thực.
Nghị định 13 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân đã có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2023. Nghị định này đã quy định rất rõ ràng, cụ thể về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên, bao gồm chủ sở hữu thông tin dữ liệu; các tổ chức, cá nhân thu thập, quản lý, xử lý, sử dụng thông tin, dữ liệu cá nhân. Đặc biệt là quy định cụ thể về việc “Chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài”.
Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị chức năng có liên quan đẩy mạnh giám sát, thúc đẩy các cơ quan, tổ chức tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân. Đồng thời, cũng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo rằng các quy định pháp luật được tuân thủ đầy đủ.
“Ví dụ, mới đây nhất, Bộ TT&TT đã tiến hành kiểm tra toàn diện TikTok, trong đó một nội dung chính được kiểm tra là việc “thu thập, quản lý, lưu trữ, sử dụng dữ liệu của người dùng; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng”, đại diện Cục An toàn thông tin nêu dẫn chứng.
Ngoài ra, cũng theo quy định tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72, bất kể tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài khi cung cấp thông tin xuyên biên giới cho người dùng tại Việt Nam đều phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan của Việt Nam. Khi các tổ chức, cá nhân không tuân thủ quy định đều sẽ có chế tài và biện pháp kỹ thuật để kịp thời xử lý.
“Khi các quy định về xác thực tài khoản mạng xã hội được chấp thuận và tổ chức triển khai, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan để siết chặt việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin, dữ liệu cá nhân của người dùng. Qua đó, giúp người dùng có thể an tâm hơn khi sử dụng mạng xã hội cũng như tham gia môi trường mạng”, đại diện Cục An toàn thông tin chia sẻ thêm.