Những vùng biên toả sáng
Trên khắp các bản làng ở khu vực biên giới của cả nước hôm nay, nhiều con đường bê tông chạy dài với những ngôi nhà mới được xây dựng khang trang vững chắc, cùng với tiếng học bài của trẻ nhỏ râm ran giữa núi rừng... đã tạo nên một cuộc sống mới tươi đẹp nơi biên giới. Những đổi thay này có sự đồng hành rất lớn của những người lính mang quân hàm xanh trong nhiều năm qua.
Trước những năm 2000, xã Atiêng (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) còn là xã biên giới không đường, điện, không trường, trạm; tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm trên 80%, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong xã còn rất khó khăn và hạn chế. Nhưng đến năm 2014, Atiêng là xã biên giới đầu tiên được công nhận xã nông thôn mới của huyện. Đến nay, hệ thống điện, đường, trường, trạm… của xã đã được đầu tư xây dựng và từng bước hoàn thiện.
Hiện nay, 100% người dân có điện sinh hoạt, có nước sạch để sử dụng; đời sống người dân được cải thiện, bình quân thu nhập đầu người đạt 23,5 triệu đồng/năm; năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 49,4% thì đến năm 2021 giảm xuống còn 5,7%.
Có được đổi thay trên, ngoài sự nỗ lực của người dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ xã đến bản, không thể không kể đến những đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Anông (BĐBP Quảng Nam).
Đồn Biên phòng Anông chịu trách nhiệm quản lý 4 xã Anông, Bhalêê, Atiêng và Lăng. Những năm qua, bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn phụ trách, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Anông đã luôn đồng hành giúp đỡ chính quyền và người dân trên địa bàn.
Những người lính biên phòng nơi đây đã bám trụ tại bản làng tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện các phong trào bảo vệ an ninh thôn, bản; phát triển kinh tế… và “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân khai hoang đồng ruộng, góp hàng trăm ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông nông thôn…
Nhờ đó, diện mạo xã biên giới Atiêng ngày một khởi sắc, đời sống người dân ngày một khởi sắc, ý thức chấp hành pháp luật được nâng cao góp phần giữ vững an ninh chính trị, chủ quyền biên giới quốc gia.
15 năm trước, đời sống của người dân ở buôn Đrang Phôk (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) gặp nhiều khó khăn vì chỉ biết trồng lúa nước 1 vụ, diện tích trồng ít, lại phải phụ thuộc vào nước mưa tự nhiên, vì thế năng suất thu hoạch thấp. Do đó, cái đói, cái nghèo đeo bám nhiều hộ. Năm 2007, Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk (BĐBP Đắk Lắk) đã tham mưu cho UBND huyện Buôn Đôn khai hoang cánh đồng lúa nước rộng 30ha, đồng thời xây dựng hệ thống kênh dẫn nước tưới tiêu, hướng dẫn nhân dân canh tác.
Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk và Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động đã đóng góp nhiều ngày công làm hệ thống kênh mương nội đồng kiên cố bằng bê tông để tưới tiêu cho cánh đồng lúa. Đồng thời, Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện vận động đồng bào chuyển từ trồng một vụ sang trồng hai vụ lúa nước; hướng dẫn nhân dân cải tạo đất, cách gieo trồng, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, cung cấp giống... Nhờ có cánh đồng lúa nước mà người dân trong buôn Đrang Phôk hiện nay không chỉ có đủ lương thực để ăn mà còn dư thừa để bán, cuộc sống của người dân nơi đây ngày một khấm khá hơn.
Không chỉ hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk còn phối hợp với các tổ chức Đoàn thể địa phương vận động ủng hộ, đóng góp ngày công và tiền để xây dựng công trình “Thắp sáng đường quê” cho buôn Đrang Phôk, giúp bà con đi lại an toàn vào buổi tối; duy trì mô hình “Tay kéo Biên phòng”, cắt tóc cho các em học sinh trên địa bàn; thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giúp chị em và gia đình hội viên phụ nữ nghèo, gặp khó khăn vươn lên làm chủ cuộc sống.
Nhờ đó đã góp phần giúp bà con các dân tộc ở biên giới phát triển kinh tế - xã hội, kiên trì bám trụ bảo vệ chủ quyền, mốc quốc giới, đồng thời, củng cố mối quan hệ quân - dân gắn bó nơi biên cương Tổ quốc.
Xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc ở khu vực biên giới
Thiếu tướng Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP cho biết: Với chức năng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Đề hoàn thành nhiệm vụ chính trị, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP xác định: Tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong tình hình hiện nay.
Quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, Đảng ủy BĐBP đã có nhiều chủ trương, giải pháp trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, như: Đảng ủy đã ban hành Nghị quyết số 24 ngày 20/12/1998 về việc BĐBP tham gia lao động sản xuất, làm kinh tế và tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở các xã, phường biên giới,hải đảo; Nghị quyết số 19 ngày 25/7/2008 về việc BĐBP tham gia lao động sản xuất phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Ngoài ra, Bộ Tư lệnh BĐBP cũng đã ban hành Chỉ thị số 31 ngày 28/5/2000 về việc tăng cường tham gia các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội ở các xã, phường biên giới, hải đảo.
Các Nghị quyết, chỉ thị nêu trên đều xác định “Tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở các xã, phường biên giới, hải đảo là một yêu cầu cấp bách và có ý nghĩa chiến lược lâu dài; góp phần xây dựng khu vực biên giới vững mạnh về mọi mặt, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc, củng cố lòng tin của nhân dân với chế độ, với Đảng, Nhà nước, Quân đội và BĐBP, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc ở khu vực biên giới.
Từ năm 2016 đến nay, BĐBP đã duy trì và phối hợp triển khai các phong trào, chương trình, mô hình có hiệu quả. Như chương trình “Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản” đã trao tặng 3,35 tỷ đồng; 119 công trình dân sinh; 345 nhà “Mái ấm biên cương”… với tổng trị giá gần 156 tỷ động. Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã hỗ trợ 210 xã, trong đó hỗ trợ gần 6 triệu con giống; 4,4 tỷ đồng vốn vay; 321 mô hình sinh kế giúp các hội viên phụ nữ; 700 mái ấm tình thương… với tổng kinh phí gần 277 tỷ đồng. Chương trình “Nâng bước em tới trường – Con nuôi đồn biên phòng” đã nhận giúp đỡ gần 3000 cháu học sinh từ lớp 1 đến lớp 12; 388 con nuôi đồn biên phòng… tổng trị giá gần 120 tỷ đồng .v.v..
Nhờ đó, kinh tế - xã hội ở các vùng biên giới, hải đảo ngày càng phát triển mạnh, đời sống của người dân ngày một đổi thay, rất rất nhiều bản làng biên giới bây giờ đã ấm no hơn, người dân yên tâm định canh định cư sinh sống ổn định, lâu dài, bền vững ở khu vực biên giới. Đây là điều kiện để phát triển các tổ tự quản đường biên, mốc giới; nhất là đẩy mạnh phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.