Tại buổi thảo luận tổ về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Phòng chống thiên tai và luật Đê điều sáng nay, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung chia sẻ một số thông tin liên quan đến việc lập hội và quản lý các loại quỹ của hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, khi xin thành lập hội, ai cũng nói tự nguyện, tự quản, tự cung tự cấp nhưng hầu hết chuyển sang hội đặc thù phải phân bổ biên chế, cấp ngân sách, trụ sở, phương tiện, cơ chế hoạt động.

“Nhưng thưa thật với các anh chị, không có hội nào tự quản, tự chủ hết. Hội nào cũng bám vào trụ sở, có hội trụ sở chính, có hội trụ sở phụ. Có hội khi chúng tôi đề nghị trả lại trụ sở thì tìm mọi cách để tác động lấy diện tích còn rộng hơn, rồi xe pháo, phương tiện đủ các loại", Bộ trưởng LĐ-TB-XH nói.

{keywords}
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Bộ LĐTB&XH có 38 loại quỹ nhưng ông không nắm được quỹ gì

Theo ông, hiện nay luật về hội chưa được ban hành nhưng vấn đề về hội rất đa dạng, phức tạp. Khi xin thành lập, hội nào cũng đều có mục tiêu, mục đích, đều vì đất nước nhưng xét quá trình tổ chức, hoạt động thì rất nhiều chuyện phải bàn.

Ngoài ra, ông Dung cũng chỉ rõ tình trạng, quy định hội trực thuộc sự quản lý cơ quan nhà nước nhưng hầu hết các hội sau khi thành lập đều "tách ra" hoạt động riêng.

Thậm chí còn đề nghị bộ trưởng ký phối hợp chương trình hoạt động cho tốt và đề nghị cử thứ trưởng sang làm thành viên hội đó.

Do đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị siết lại việc thành lập, tổ chức hội. Nếu chưa có luật hội thì xem xét rà soát lại, chuyển bớt hội đặc thù sang hội tự chủ tự quản. Không nên để tình trạng như vừa qua, gây khó khăn cả cho cho TƯ và địa phương.

Người đứng đầu ngành LĐTB&XH cũng đề nghị không nên đưa các loại quỹ vào luật. QH nên giao Chính phủ rà soát lại các loại quỹ, nhất là quỹ hội. Vì hiện nay, nhiều hội thu quỹ lớn, bao gồm quỹ quốc tế, quỹ trong nước nhưng hoạt động như thế nào không ai biết.

Ông dẫn chứng ngay tại Bộ LĐTB&XH hiện nay có 38 loại quỹ nhưng “bộ trưởng không nắm được quỹ gì”.

“Nghị định quy định bộ trưởng làm quản lý nhà nước nhưng quy định quản lý hội, quỹ thế nào không có. Muốn thanh tra kiểm tra thì không có quyền", ông Dung nói.

Xây dựng chiến lược phòng chống khủng bố, xâm phạm nguồn nước

Phó giám đốc Công an Hà Nội Đào Thanh Hải cho biết vừa qua xảy ra vấn đề về nước sinh hoạt vô cùng nghiêm trọng, luật Đê điều lần này phải có trách nhiệm làm sao bảo vệ được an ninh nguồn nước.

Thiếu tướng Hải cho biết, Bộ Công an đã xây dựng chiến lược bảo vệ phòng chống khủng bố, xâm phạm an ninh nguồn nước. Nhưng bây giờ trách nhiệm bảo vệ an ninh nguồn nước ban đầu thì phải thuộc ai, trách nhiệm đến đâu, khi xảy ra thì anh phải chịu trách nhiệm như thế nào?

Vừa rồi xảy ra một việc ảnh hưởng đến nguồn nước cung cấp cho dân thì bây giờ phải có chế tài, xử lý thật nghiêm để đảm bảo an ninh nguồn nước.

“Nếu như anh đã kinh doanh nước mà không đảm bảo an ninh nguồn nước cho người dân thì anh phải chịu trách nhiệm như thế nào?”, Phó giám đốc Công an Hà Nội nhấn mạnh, không khí và nước là 2 thứ mà con người không thể thiếu được, bắt buộc phải dùng hàng ngày.

{keywords}
ĐB Trương Trọng Nghĩa

Góp ý cho dự luật Phòng chống thiên tai, ĐB Trương Trọng Nghĩa đề cập đến quy định về việc “bổ sung một số loại hình thiên tai do tác động của nhân tai như sụt lún đất do khai thác nước ngầm, do hoạt động xây dựng, sạt lở bờ sông do khai thác cát quá mức cho phép” và nhấn mạnh “không thể đưa các loại hình trên vào thiên tai, phải xem đó là nhân tai”.

Theo ông Nghĩa, đây là tư duy lợi dụng, vin vào luật để nhập nhằng trách nhiệm với những hệ lụy do con người gây ra. Thậm chí, đây là vấn đề lợi dụng luật để lấy ngân quỹ thiên tai bù đắp thiệt hại do con người gây ra.

ĐB Nguyễn Đức Sáu (TP.HCM) cũng đề nghị cần phải phân định lại sạt lở bờ sông do biến đổi dòng chảy là do thiên nhiên nhưng nếu do con người khai thác khoáng sản bừa bãi thì không thể đưa vào do thiên tai mà phải là nhân tai và cần phải nghiêm trị.

Trần Thường - Thu Hằng - Hương Quỳnh

Bỏ HĐND phường ở Hà Nội: Chẳng nước nào có mô hình như vậy

Bỏ HĐND phường ở Hà Nội: Chẳng nước nào có mô hình như vậy

Theo ĐB Đinh Văn Nhã, ông không thấy một nước nào có mô hình cải cách hành chính theo hướng tăng cường cấp trung gian và bỏ chính quyền cơ sở.