Chiều 15/7, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng chủ trì hội nghị tổng kết 12 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng (2008 - 2020).
Theo Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị lần này nhằm đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ về tình hình và kết quả thực hiện, làm rõ những hạn chế, bất cập, đề xuất các chủ trương, giải pháp để hoàn thiện các quy định của pháp luật về công nghiệp quốc phòng.
Thời gian tới, Bộ Quốc phòng xác định tập trung xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại; đáp ứng yêu cầu nâng cao tiềm lực quốc phòng, an ninh quốc gia.
Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bộ Quốc phòng |
Tập trung đầu tư nghiên cứu, sản xuất một số chủng loại vũ khí, trang bị, khí tài mới, hiện đại, có tính năng kỹ thuật - chiến thuật cao. Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng bảo đảm tinh, gọn, mạnh, thống nhất về quản lý nhà nước; theo hướng hiện đại, lưỡng dụng vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội; thực sự trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.
Trung tướng Trần Hồng Minh, Chủ nhiệm Tổng cục CNQP cho biết, sau 12 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng đã tạo ra những chuyển biến tích cực và những thành công quan trọng đối với xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện Pháp lệnh; tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng.
Cũng theo Trung tướng Trần Hồng Minh, Bộ Quốc phòng đã hoàn thành xây dựng Đề án đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng - an ninh; tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Quân ủy Trung ương thông qua các nội dung về tổ chức lực lượng công nghiệp quốc phòng; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm, đảm bảo từng bước tăng cường tiềm lực công nghiệp quốc phòng theo hướng tập trung, có chọn lọc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Qua việc tổ chức thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng, công tác nghiên cứu khoa học, thiết kế, sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật đã có bước phát triển mạnh mẽ, hiệu quả; nhiều sản phẩm quốc phòng đã được nghiên cứu chế thử thành công.
Năng lực của các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt có bước phát triển mạnh mẽ cả về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và chất lượng nguồn nhân lực; công nghệ sửa chữa đã được nâng cấp về chất lượng, số lượng chủng loại và tiến độ ngày càng tốt hơn.
Các đơn vị đẩy mạnh phát triển thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp quốc phòng.
Trần Thường
Bộ Quốc phòng đề nghị có cơ chế hút người tài sản xuất, sửa chữa vũ khí
Bộ Quốc phòng đề nghị có cơ chế tài chính trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao sản xuất, sửa chữa vũ khí, đạn dược, thuốc nổ.