Dự Hội nghị có Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Hải Hưng, cùng đại biểu một số cơ quan trong và ngoài Quân đội.
Xuất hiện nhiều vướng mắc, bất cập
Báo cáo tóm tắt tổng kết thực hiện Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam do Trung tướng Nguyễn Văn Gấu, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trình bày, nêu rõ: Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999 được Quốc hội khóa X thông qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 21/12/1999, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2000; qua hai lần tổng kết (năm 2007 và 2013), Bộ Quốc phòng đã báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung hai lần vào năm 2008 và năm 2014. Quá trình thực hiện, Luật đã tạo cơ sở pháp lý để xây dựng đội ngũ sĩ quan vững mạnh, làm nòng cốt xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam xuất hiện những vấn đề còn vướng mắc, bất cập. Trên cơ sở tổng kết ở các cấp, Bộ Quốc phòng đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho sửa đổi; bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV trên cơ sở kế thừa những quy định của Luật Sĩ quan hiện hành còn phù hợp; bổ sung, điều chỉnh các quy định mới để khắc phục cơ bản những vướng mắc, bất cập và các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn.
Thảo luận, đóng góp ý kiến, đa số các đại biểu bày tỏ sự thống nhất cao với báo cáo; đồng thời nhấn mạnh những ưu điểm, kết quả tiêu biểu của toàn quân trong thực hiện Luật Sĩ quan; đề xuất, kiến nghị một số giải pháp và thống nhất khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật hiện hành và một số văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng bộ biện pháp cải thiện cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ sĩ quan
Kết luận Hội nghị, Đại tướng Phan Văn Giang khẳng định, thời gian qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện nghiêm Luật Sĩ quan và các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm, bất cập cần tập trung khắc phục, như: Công tác tham mưu, xây dựng văn bản dưới luật có thời điểm chưa kịp thời. Quy định chức vụ, chức danh tương đương và trần quân hàm của sĩ quan ở một số cơ quan, đơn vị chưa phù hợp. Trách nhiệm quản lý đội ngũ sĩ quan của một số cơ quan, đơn vị chưa toàn diện. Một bộ phận sĩ quan chấp hành chưa nghiêm các quy định của luật, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm kỷ luật, pháp luật dẫn đến phải xử lý. Công tác tuyển chọn nguồn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở một số đơn vị chưa gắn với quy hoạch và nhu cầu sử dụng. Chế độ ưu đãi cho đội ngũ sĩ quan chưa được quan tâm đúng mức, nhất là trong tham mưu đề xuất triển khai thực hiện chế độ chính sách, trong đó có chính sách về nhà ở và đất ở...
"Bên cạnh đó, việc thực hiện Luật hiện nay còn một số vướng mắc nhất định do tổ chức Quân đội đã có nhiều thay đổi, được điều chỉnh theo hướng tinh, gọn, mạnh, nhiều vị trí chức danh không còn, do vậy cần phải được quy định, điều chỉnh cho phù hợp với cơ cấu, tổ chức của Quân đội sau điều chỉnh, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn xây dựng Quân đội và đời sống chính trị - xã hội", Đại tướng Phan Văn Giang chỉ rõ.
Từ thực tiễn tình hình, Đại tướng Phan Văn Giang yêu cầu chỉ huy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nội dung trọng tâm, trong đó có việc nắm vững, quán triệt đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội. Sau khi cấp có thẩm quyền cho phép, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật bảo đảm chất lượng, tiến độ; khi được Quốc hội thông qua, cần triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Sĩ quan và các văn bản dưới luật.
“Sửa luật làm sao để phù hợp với các luật đã được xây dựng, phát triển; theo hướng có giá trị nhất và sử dụng được tối đa trình độ của anh em. Như các đồng chí đã biết, kinh phí đào tạo một nhân lực có khi hết hàng triệu đô la, nhưng lại chỉ sử dụng trong thời gian rất ngắn, trong khi tuổi anh em vẫn còn, đến lúc bấy giờ mới là độ 'chín', mới thực hiện được tốt nhiệm vụ thì theo quy định lại đến tuổi nghỉ”, Đại tướng Phan Văn Giang nêu thực tế.
Bộ trưởng Phan Văn Giang đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan trong Quân đội phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản chi tiết; đồng thời với sửa luật cần xây dựng luôn nghị định, thông tư để khi luật có hiệu lực thì triển khai thực hiện được ngay, không để thời gian trống.
Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu các cơ quan, đơn vị của Quân đội chấp hành nghiêm quy tắc, quy chế, quy định, quy trình về công tác cán bộ, thực hiện đồng bộ các biện pháp giải quyết số lượng, cải thiện cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ sĩ quan tại ngũ và sĩ quan dự bị để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển công nghiệp quốc phòng; khai thác có hiệu quả vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, đáp ứng mục tiêu xây dựng Quân đội; thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với sĩ quan.
Đại tướng Phan Văn Giang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, người chỉ huy các cơ quan chức năng và các tổ chức theo dõi, giám sát thi hành luật các cấp. Thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, thực hiện có hiệu quả quản lý Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan theo phạm vi quyền hạn và chủ động trong quan hệ hợp tác quốc tế; phát huy mọi nguồn lực để xây dựng đội ngũ sĩ quan; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, bảo đảm thực hiện Luật Sĩ quan ngày càng hiệu quả, thiết thực, góp phần xây dựng đội ngũ sĩ quan vững mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt của Quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tại Hội nghị, Bộ Quốc phòng đã công bố quyết định và trao thưởng cho 59 tập thể và 62 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam từ năm 1999 đến năm 2024, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo TTXVN