Ngành công nghiệp văn hóa phấn đấu đạt hơn 70% trong tỷ trọng tăng trưởng GDP
Hội thảo nhằm góp phần hiện thực hoá chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021, nâng cao một bước nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân thành phố trong xây dựng, phát triển văn hoá, trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị các tiêu chí nhằm xây dựng hệ giá trị văn hoá, ngành công nghiệp văn hoá và con người Hải Phòng.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng Đào Khánh Hà, trong thời gian qua, thành phố Hải Phòng đã triển khai quyết liệt các Nghị quyết của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, chương trình thực hiện Nghị quyết XVIII của Đảng với những nhiệm vụ hết sức quan trọng, liên quan đến giá trị văn hóa của Thành phố.
Hội thảo cũng là dịp thành phố Hải Phòng lắng nghe những ý kiến, những đóng góp, nhất là những kinh nghiệm, kiến thức đặc biệt từ các nhà khoa học Trung ương để thành phố có thể từng bước hoàn thiện những định hướng, cũng như những giải pháp hiệu quả trong việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại thành phố Cảng.
Tại các Nghị quyết của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố và chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, cùng với phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội, thành phố Hải Phòng quan tâm đặc biệt đến phát triển văn hóa và ngành công nghiệp văn hóa với mục tiêu đến năm 2023, ngành công nghiệp văn hóa của thành phố phấn đấu đạt hơn 70% trong tỷ trọng tăng trưởng GDP…
Thảo luận về những khía cạnh quan trọng của xây dựng hệ giá trị văn hóa, ngành CN văn hoá
Tại Hội thảo lần này, với 24 tham luận, các đại biểu sẽ cùng thảo luận về những khía cạnh quan trọng của việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và ngành công nghiệp văn hoá tại thành phố Hải Phòng.
Cụ thể, việc phát huy hệ giá trị văn hóa Hải Phòng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thành phố hiện nay; định vị các lĩnh vực công nghiệp văn hóa và cơ chế cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Hải Phòng; phát triển công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch Hải Phòng; đánh giá một số lĩnh vực về công nghiệp văn hóa của thành phố như: Phát thanh và Truyền hình, múa rối, bảo tàng…
Trình bày báo cáo một số nét tổng quan về văn hóa Hải Phòng, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người và phát triển công nghiệp văn hóa Hải Phòng, Tiến sĩ Trần Thị Hoàng Mai – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cho biết, Hải Phòng là thành phố có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa. Sự khác biệt về cấu trúc địa hình, khí hậu, dân cư đã tạo ra cho văn hoá Hải Phòng có những nét đặc trưng riêng trong văn học nghệ thuật, sân khấu, âm nhạc, các di tích, lễ hội và các hình thức biểu đạt nghệ thuật khác.
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước vì vậy văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Để phát triển đất nước phồn vinh cần phải xây dựng hệ giá trị quốc gia trong đó hệ giá trị văn hóa Việt Nam bao gồm dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học đã được xác định là một trong những vấn đề cốt lõi mang tính định hướng việc xây dựng, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam.
Nhà giáo nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang- một người con của quê hương Hải Phòng chia sẻ, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học đã được xác định là một trong những vấn đề cốt lõi mang tính định hướng việc xây dựng, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam để phát triển đất nước phồn vinh và phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác giá trị kinh tế của văn hóa để văn hóa trở thành một trong những nguồn lực cho sự phát triển đất nước.
Giáo sư Vũ Minh Giang cho rằng, để phát triển công nghiệp văn hóa tại Hải Phòng, cần xác định văn hóa là một dạng tài nguyên, sau đó có công nghệ, quy trình để khai thác tài nguyên đó. Khi khai thác cần có sản phẩm đặc sắc để từ sản phẩm đó thu được lợi ích về kinh tế, về giáo dục...