CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC) do ông Lê Viết Hải làm Chủ tịch vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 và luỹ kế 6 tháng đầu năm. Theo đó, lợi nhuận sau thuế quý II tăng hơn 12 lần, từ mức gần 45,2 tỷ đồng cùng kỳ lên hơn 546,3 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, HBC lãi hơn 101,5 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức gần 55,8 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận Xây dựng Hoà Bình tăng mạnh được cho là bất bờ bởi trong hơn một năm qua doanh nghiệp của ông Lê Viết Hải đi từ khó khăn này đến khó khăn khác, nhất là cuộc "nội chiến" kéo dài; nợ phải thu còn nhiều, trong khi không có nhiều dự án.
Cùng với đó là thị trường bất động sản trầm lắng hơn một năm qua, không có mấy dự án khởi công mới. Giải ngân đầu tư công chưa như kỳ vọng, hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng tăng trưởng rất chậm.
Sở dĩ doanh nghiệp của ông Lê Viết Hải ngược dòng có lợi nhuận tích cực là nhờ hoạt động tái cấu trúc, bán tài sản để tái cơ cấu nợ, nhằm lành mạnh hóa tình hình tài chính và qua đó để có thể tham gia vào các dự án xây dựng.
Trong quý II, HBC ghi nhận khoản thu nhập khác tăng vọt gần 190 lần từ 3 tỷ cùng kỳ lên 569 tỷ đồng, nhờ thanh lý và chuyển nhượng tài sản cố định vật tư phế liệu.
Trong kỳ, Xây dựng Hòa Bình đã thông qua nghị quyết bán 100% vốn tại công ty TNHH Máy Xây dựng Matec (công ty con, quản lý khai thác toàn bộ số thiết bị máy móc của tập đoàn) và một phần thiết bị khấu hao cho nhà đầu tư Ashita Group, với giá 1.100 tỷ đồng.
Như vậy, HBC lãi chủ yếu từ hoạt động tài chính, tái cấu trúc lại doanh nghiệp.
Về hoạt động cốt lõi, trong quý II, HBC ghi nhận doanh thu giảm 45% so với cùng kỳ xuống dưới 2.300 tỷ đồng.
Tới cuối tháng 6/2023, HBC còn lỗ lũy kế hơn 2.020 tỷ đồng.
Khoản phải thu ngắn hạn còn rất lớn, hơn 10.463 tỷ đồng, trong đó có gần 3.796 tỷ đồng phải thu theo kế hoạch hợp đồng xây dựng. Tới cuối quý II/2023, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi của HBC lên tới hơn 2.386 tỷ đồng. Tổng phải thu chiếm tới 82% tài sản của Xây dựng Hòa Bình.
Một điểm rất đáng lưu ý là tài khoản "phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng" được ghi nhận cùng lúc với doanh thu. Khoản mục này dùng để ghi nhận phần trăm công việc mà Hòa Bình đã hoàn thành và được xác minh bởi bên tư vấn thứ ba, nhưng chưa lập hóa đơn cho khách hàng.
Các khoản phải thu quá lớn của HBC là một dấu hiệu xấu về mặt dòng tiền và thanh khoản của công ty.
Cổ phiếu tăng mạnh
Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng cổ phiếu HBC gần đây vẫn trong xu hướng hồi phục. Trong phiên 28/7, HBC bất ngờ tăng trần lên mốc 10.000 đồng/cp, cùng với cổ phiếu CTD của Coteccons cũng tăng hết biên độ cho phép.
Xây dựng Hòa Bình và CTD của Coteccons là 2 doanh nghiệp trong 1 liên danh tham gia đấu thầu gói lớn nhất thi công Sân bay Long Thành.
Theo công bố, có 3 liên danh nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu gói thầu 5.10 Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với tổng trị giá hơn 35.000 tỷ đồng, gồm Liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors, Liên danh Hoa Lư và Liên danh VIETUR.
Trong đó, Liên danh VIETUR do nhà thầu đến từ Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu, có thành viên là các công ty thuộc hệ sinh thái Newtecons của ông trùm xây dựng Nguyễn Bá Dương (trước là Chủ tịch Coteccons) và Tổng công ty Vinaconex.
Liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors do nhà thầu Trung Quốc đứng đầu. Liên danh Hoa Lư do nhà thầu Việt Nam Coteccons đứng đầu, nhưng có thành viên là nhà thầu Thái Lan và Xây dựng Hòa Bình (HBC) của ông Nguyễn Viết Hải.
Thông tin về người trúng gói thầu trị giá 5.10 chưa được công bố. Nhưng đây là yếu tố khiến nhiều người kỳ vọng vào một số cổ phiếu hạ tầng, trong đó có VCG, CTD, HBC…
Trong phiên 24/7, Vinaconex (VCG) tăng trần còn CTD giảm sàn khiến nhiều đầu tư cho rằng Liên danh VIETUR trúng thầu. Nhưng ở phiên cuối tuần, cú bứt phá của cặp đôi CTD-HBC khiến nhiều người nghĩ điều ngược lại.