Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình do ông Lê Viết Hải làm Chủ tịch vừa thông qua hàng loạt quyết định quan trọng về nhân sự và tài chính sau khi trải qua một cuộc nội chiến.
Loạt quyết định tái cấu trúc
Tại cuộc họp ngày 18-20/5, Hội đồng quản trị (HĐQT) Xây dựng Hoà Bình (HBC) thông qua một loạt quyết định quan trọng về nhân sự và tài chính. Các quyết định dự kiến sẽ tạo lập hàng nghìn tỷ đồng cho HBC sau khi trải qua một đợt khủng hoảng về tài chính và nhân sự.
Nổi bật là việc Chủ tịch Lê Viết Hải chỉ đạo thông qua mua 75% phần vốn góp của Công ty TNHH Bất động sản Thành Ngân, để đạt tỷ lệ sở hữu 100% dự án 127 An Dương Vương (P.10, Q. 6, TP.HCM).
Tổng số tiền chi cho dự án này là 564 tỷ đồng, tương đương với số tiền thu được từ việc phát hành 47 triệu cổ phiếu HBC. Hòa Bình sẽ phát hành 47 triệu cổ phiếu HBC với giá 12.000 đồng/cp (cao hơn gấp 1,5 lần giá trên sàn chứng khoán vào ngày ra nghị quyết).
Dự án 127 An Dương Vương có tổng diện tích 15.394,7 m2, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong đó, diện tích đất cho nhà ở thương mại cao tầng và dịch vụ là 6.279,6 m2 và diện tích dành cho giáo dục là 6.567,5 m2. Tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước là 218 tỷ đồng. Giá đất xung quanh đường An Dương Vương đang giao dịch trên 100 triệu đồng/m2.
Theo ông Lê Viết Hải, đây là dự án tiềm năng, mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn cho tập đoàn.
Hai cổ đông chiến lược mới mua 47 triệu cổ phiếu HBC là Phạm Quang Hàng và Mai Hữu Thung. Tổng số cổ phiếu 2 nhà đầu tư này mua đúng bằng số cổ phiếu của ông Lê Viết Hải đang nắm giữ. Ông Hàng và ông Thung đồng ý mua với giá cao hơn 50% sau khi tìm hiểu tình hình tài chính khó khăn và hiểu rõ chiến lược phát triển thị trường nước ngoài đầy triển vọng của Hòa Bình.
Ngoài ra, Xây dựng Hòa Bình còn thông qua việc thực hiện đề nghị và giao dịch cấp tín dụng với Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam. Đồng thời, ban lãnh đạo thông qua việc mua lại toàn bộ cổ phần của ông Lê Viết Hải tại Công ty Pax International và thu hồi các khoản nợ.
Theo Chủ tịch Lê Viết Hải, với các quyết định có tính chiến lược trên, Hòa Bình sớm ổn định tình hình kinh doanh, vượt qua khó khăn thử thách và lấy lại vị thế vốn có trong một tương lai không xa.
Ngoài ra, ông Hải cho hay, trong tổng số 21 vụ kiện về việc chậm thanh toán, 10 vụ đã có phán quyết của tòa và Hòa Bình đều thắng kiện. Trong đó, số tiền nợ gốc ghi trong sổ sách kế toán là 829 tỷ đồng. Tổng số tiền theo phán quyết bên bị đơn phải trả cho Hòa Bình lên đến 1.223 tỷ đồng, bao gồm lãi chậm thanh toán và các chi phí phát sinh, tức cao hơn 47,5%.
Nội chiến tại Hòa Bình đã chấm dứt?
Hiện, tổng số tiền đã thu hồi công nợ là 593 tỷ đồng, số tiền còn lại phải thu từ 10 vụ kiện đã thắng này là 630 tỷ đồng. Ông Hải cho biết thêm, trong thời gian tới thị trường bất động sản sẽ hồi phục nên các công nợ sẽ dần được xử lý, tỷ lệ thu hồi không dưới 100%. Số tiền thu về sẽ tăng thêm không dưới 15% số nợ gốc đã quá hạn. Trong lịch sử kinh doanh của HBC, chưa có một khoản nợ nào trong báo cáo tài chính cần phải trình thông qua HĐQT để xóa đi do mất khả năng thu hồi nợ.
Mặt khác, áp dụng theo chuẩn mực kế toán quốc tế, trong thời gian tới Hòa Bình sẽ cho đánh giá lại tài sản vì số liệu ghi nhận trong sổ sách kế toán đã quá lạc hậu. Ví dụ căn nhà 235 Võ Thị Sáu trụ sở cũ của Hòa Bình ghi nhận trong sổ sách chỉ 5,6 tỷ đồng vào năm 2000 bây giờ không thể dưới 100 tỷ đồng. Tương tự như vậy là căn nhà 233 Võ Thị Sáu, khu đất 1C Tôn Thất Thuyết, Q4, TP. HCM.
Về giá trị còn lại của máy móc thiết bị có thể khẳng định cao hơn rất nhiều so với giá trị ghi trong sổ sách kế toán. Theo báo cáo tài chính 31/12/2022, tổng đầu tư máy móc thiết bị đến nay là 2.208 tỷ đồng, đã khấu hao 1.305 tỷ đồng giá trị, còn lại chỉ 903 tỷ đồng (chỉ tương đương 40% nguyên giá).
Thực tế, hệ dàn giáo không bị rỉ sét và hư hỏng nhiều. Các loại máy cẩu, vận thăng, máy bơm bê tông… đều trong tình trạng hoạt động tốt. Do trượt giá thì giá mua mới hiện luôn cao hơn giá mua tài sản này theo nguyên giá.
Trong thời gian tới, Xây dựng Hòa Bình sẽ điều chỉnh vốn chủ sở hữu sau khi phát hành tăng vốn và định giá lại tài sản. Việc điều chỉnh tăng vốn chủ sở hữu giúp Hòa Bình đảm bảo hạn mức tín dụng, cải thiện đáng kể năng lực tài chính để vượt qua khó khăn trước mắt về dòng tiền và giúp thanh toán hết được các công nợ cho các nhà cung cấp và nhà thầu phụ.
Ngày 18/5, HBC bổ nhiệm ông Lê Văn Nam (1976) làm Tổng giám đốc Xây dựng Hoà Bình (HBC) từ 1/6. Ông Nam từng đảm nhiệm vị trí quan trọng tại HBC sau đó đi sang Tập đoàn xây dựng SCG làm Tổng giám đốc một thời gian và quay lại HBC với vị trí CEO kể từ 1/6.
HBC cũng đã thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc đối với ông Trương Quang Nhật theo nguyện vọng cá nhân. Đồng thời, bổ nhiệm ông Nguyễn Khánh Hoàng (sinh năm 1982) giữ chức vụ Phó tổng giám đốc từ ngày 1/6.
Thông qua việc miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027 của ông David Martin Ruiz theo đơn từ nhiệm. Đơn xin từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT của ông David Martin Ruiz sẽ được xem xét thông qua tại Đại hội đồng cổ đông HBC năm 2023.
Trước đó, HBC trải qua một cuộc đấu đá trong nội bộ doanh nghiệp. Cuộc nội chiến Xây dựng Hòa Bình lên cao ngay đầu năm mới 2023 khiến nhiều người lo lắng thương hiệu hàng đầu Việt Nam có thể rơi vào thảm họa lao dốc.
Cuộc nội chiến phức tạp khi mà cả 2 bên đều tính kiện nhau ra các cơ quan chức năng, thậm chí để “xem xét trách nhiệm hình sự của các cá nhân”.
Tranh chấp bắt đầu từ ngày 14/12/2022, HĐQT có nghị quyết thông qua đơn từ nhiệm tư cách thành viên HĐQT của ông Lê Viết Hải, đồng thời bầu ông Nguyễn Công Phú vào chức Chủ tịch HBC thay ông Hải và bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc HBC với ông Hiếu (con trai ông Hải) từ ngày 1/1/2023.
Tuy nhiên, vào tối ngày 31/12/2022, Xây dựng Hòa Bình công bố hoãn thi hành đơn xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải kể từ ngày 1/1/2023; Nghị quyết cũng hoãn thi hành việc bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc cho ông Lê Viết Hiếu.
Sáng 1/1, một số thành viên HĐQT, gồm ông Nguyễn Công Phú, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antoine đã phát đi văn bản bác bỏ động thái của ông Lê Viết Hải đưa ra ngày 31/12/2022, với cáo buộc cuộc họp HĐQT của HBC không có đủ thành viên theo yêu cầu.
Tuy nhiên, gần đây, một loạt các lãnh đạo ở phe đối lập với ông Lê Viết Hải đã lần lượt rút khỏi HBC.
Các quyết định dự kiến tạo nguồn vốn “khủng” cho Tập đoàn Hòa Bình
1. HĐQT thông qua việc bán toàn bộ vốn góp của Công ty TNHH Một Thành Viên Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Hòa Bình (HBIC) là 167 tỷ. Phần đã chi cho dự án là 127 tỷ, còn lãi 40 tỷ.
2. Thông qua viêc mua 75% cổ phần còn lại của dự án 127 An Dương Vương (P. 10, Quận 6, TPHCM) của Công ty Thành Ngân để đạt tỷ lệ sở hữu 100%. Giá cổ phiếu HBC bán cho dự án này là 12.000 đồng/cp (cao gấp 1,5 lần giá hiện tại trên sàn chứng khoán).
3. Thông qua việc thực hiện đề nghị và giao dịch cấp tín dụng với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam. Hạn mức cấp tín dụng ngắn hạn tối đa 2.000 tỷ đồng. Trong đó, hạn mức cho vay tối đa 1.000 tỷ đồng; hạn mức bảo lãnh tối đa 1.000 tỷ đồng. Mục đích, bổ sung vốn lưu động, bảo lãnh phục vụ hoạt động kinh doanh, thời hạn tối đa 12 tháng kể từ ngày ký Hợp đồng tín dụng phát hành 5 triệu cổ phiếu cho Sanei.
4. Thông qua thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Lê Viết Hải và bà Bùi Ngọc Mai đối với 3 khu đất có tổng diện tích 7.218,6 m2 tại đường Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất, Quận 12, TPHCM với giá 120 tỷ đồng.
5. Thông qua việc mua lại toàn bộ cổ phần của ông Lê Viết Hải tại Công ty Pax International theo vốn thực góp (138 tỷ đồng).
Tất cả những giao dịch này trên, Hòa Bình sẽ không sử dụng tiền mặt mà chỉ phát hành cổ phiếu và thu hồi những khoản tiền tạm ứng phục vụ cho mục đích kinh doanh trước đây. Việc thu hồi các khoản tạm ứng này giúp cho HBC có thêm nhiều tài sản nhằm nâng cao năng lực tài chính.