Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri bao gồm toàn bộ làng Kon Jơ Ri có diện tích 562,85 ha, nằm cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 6km về hướng Đông. Là một trong những ngôi làng còn lưu giữ những nét đặc trưng riêng về kiến trúc của người Ba Na, cùng với những giá trị đặc sắc về văn hóa truyền thống tạo nên điểm nhấn về du lịch của xã Đăk Rơ Wa.
Hiện nay, Nhân dân trên địa bàn thôn còn giữ gìn được một số bản sắc văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng, hộ gia đình như: Cồng chiêng, múa xoang, làm rượu cần, dệt thổ cẩm, đan lát dụng cụ phục vụ sản xuất, sinh hoạt gia đình... Với những thuận lợi về điều kiện tự nhiên đã mang lại cho thôn Kon Jơ Dri tiềm năng rất lớn về phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng.
Theo kết quả đánh thẩm định ngày 11/10/2022 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, làng Kon Jơ Dri cơ bản đáp ứng đủ 03/03 tiêu chí công nhận điểm du lịch theo quy định tại Điều 11, Nghị định 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ.
Cụ thể, Tiêu chí 1: Có tài nguyên du lịch, có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận; Tiêu chí 2: Có kết cấu hạ tầng, dịch vụ cần thiết bảo đảm phục vụ khách du lịch; Tiêu chí 3: Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và các điều kiện về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực tại Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri.
Qua kiểm tra thực tế mới đây, lãnh đạo tỉnh Kon Tum đánh giá cao kết quả đạt được của thành phố Kon Tum và xã Đăk Rơ Wa trong việc xây dựng làng Kon Jơ Dri trở thành làng du lịch cộng đồng đồng thời đề nghị UBND thành phố Kon Tum tiếp tục chỉ đạo xã Đăk Rơ Wa hoàn thiện, nâng cao chất chất lượng một số tiêu chí của Làng du lịch cộng đồng như: Vận động bà con trong làng quan tâm trồng hoa dọc các tuyến đường trong làng, trong khuôn viên Nhà rông để cải tạo cảnh quang; có bảng thông tin giới thiệu đến du khách về Nhà rông và bản sắc văn hóa đặc sắc của người đồng bảo dân tộc thiểu số; hỗ trợ nguồn kinh phí để sửa chữa, cải tạo lại Nhà rông văn hóa bằng nguyên vật liệu đặc trưng, gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Đối với không gian tại giọt nước cần vận động người dân, đoàn viên thanh niên thường xuyên ra quân dọn dẹp giữ gìn vệ sinh chung; đối với nghề đan lát cũng như các ngành nghề truyền thống khác của làng cần được lưu giữ và đào tạo cho thế hệ trẻ kế thừa truyền thống, không để bị mai một.
Thanh Bình, Lê Nhung, Hồng Hạnh, Văn Lợi, Hà Sơn