Điện Biên là tỉnh miền núi phía Tây Bắc của Tổ quốc với diện tích tự nhiên 954.125 ha; có đường biên giới dài hơn 455 km. Tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện với 129 xã, phường, thị trấn. Trong đó có 126 xã, phường thị trấn thuộc vùng dân tộc và miền núi (92 xã đặc biệt khó khăn,; 29 xã biên giới), 7 huyện nghèo theo Quyết định 353/QĐ-TTg (15/3/2022) của Thủ tướng Chính phủ.
Với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng bằng cách làm cụ thể, giải pháp cụ hay, huy động mọi nguồn lực thực hiện từng tiêu chí nên Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Điện Biên đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn, biên giới ngày càng đổi thay.
Hiệu quả trồng dứa trên đất dốc
Bên cạnh các tiêu chí về điện – đường – trường – trạm, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, tỉnh Điện Biên chú trọng phát triển các mô hình sinh kế ứng dụng khoa học công nghệ để giúp bà con cải thiện kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập. Trong đó, dứa là loại cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả cao, đang được bà con nhân rộng.
Tiêu biểu ở xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, xác định thu nhập và giảm nghèo là 2 tiêu chí quan trọng trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng bào H’Mông ở xã đã đồng lòng, nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Từ năm 2016, bà con đã phát triển trồng dứa mật. Cây dứa mật phát triển tốt sau một thời gian thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng, đã đem lại thu nhập cao cho nông dân. Tổng diện tích trồng dứa của gần 300 hộ dân thuộc 6 bản trong xã là trên 60ha.
Bản Pu Lau là khu vực trồng nhiều dứa nhất xã Mường Nhà với 110 hộ dân trong bản đều trồng dứa, nhà ít thì vài trăm mét, hộ trồng nhiều thì vài ha.
Có lợi thế nằm ngay bên đường vành đai biên giới, kết nối Quốc lộ 279 nên người dân Mường Nhà tiêu thụ dứa rất thuận lợi. Định hướng đảm bảo đầu ra về lâu dài, năm 2022, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thành lập Hợp tác xã dứa Mường Nhà nhằm hỗ trợ người dân trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Ông Thào A Giàng, Giám đốc Hợp tác xã dứa Mường Nhà cho hay, với việc thành lập Hợp tác xã dứa Mường Nhà, các thành viên sẽ hướng dẫn bà con canh tác theo đúng kỹ thuật để mang lại năng suất cao; thu mua quả dứa cho người dân với giá thành tốt nhất. Hiện nay, hợp tác xã cũng đã liên kết với một số đơn vị để thu mua dứa cho người dân.
Theo ông Giàng, dứa Mường Nhà được trồng trên các sườn đồi với đặc điểm quả to hơn các loại dứa bình thường, trung bình khoảng 2-3kg/quả, quả nhiều nước, mắt nông, ngọt, mép lá không có gai. Thời gian thu hoạch dứa mật kéo dài từ cuối tháng 6 đến hết tháng 8 hàng năm. Dứa được bà con trồng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc trừ cỏ, trừ sâu…
Mỗi cây dứa cho thu hoạch ổn định từ năm thứ 3 đến năm thứ 7. Sau đó người dân sẽ chặt bỏ, làm vệ sinh đất và trồng lứa mới. Thu nhập bình quân của nông dân bản Pu Lau từ cây dứa dao động từ 30 - 100 triệu đồng/năm.
Mã số vùng trồng – Thẻ thông hành cho dứa xuất khẩu
Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, dứa Mường Nhà đã giúp người dân giảm nghèo, kinh tế nông nghiệp huyện phát triển bền vững, góp phần vào công tác xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, huyện có kế hoạch hỗ trợ nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật trồng dứa giúp nâng cao năng suất, sản lượng và đặc biệt là mục tiêu sản xuất 100% theo hướng hữu cơ, phát triển sản phẩm dứa Mường Nhà trở thành một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương.
Đặc biệt, vùng trồng dứa Mường Nhà được Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đẩy mạnh việc thiết lập, xây dựng mã số vùng trồng. Đến nay dứa Mường Nhà bước đầu đã được cấp mã số vùng trồng.
Việc xây dựng mã số vùng trồng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân như chuẩn hoá quy trình chăm sóc, quản lý cây trồng, giúp cây trồng cho năng suất cao, đáp ứng được tiêu chuẩn của những thị trường khó tính nhất. Cùng với đó tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất và doanh nghiệp liên kết sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nhờ được xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Mã số vùng trồng được xem như là “hộ chiếu thông hành” cho dứa Mường Nhà. Việc được cấp mã số vùng trồng còn góp phần rút ngắn khâu trung gian, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế, cũng như đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân. Qua đó, góp phần phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững.
Khi xây dựng mã số vùng trồng đã giúp chuyển biến nhận thức của bà con trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từng bước tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, lâu dài còn đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường các nước nhập khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, so với canh tác truyền thống.
Tại nhiều địa phương, dù vẫn còn điểm nghẽn trong cấp mã số vùng trồng song ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc để đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng. Với các vùng đã được cấp mã số như dứa Mường Nhà, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ thực hiện giám sát vùng trồng, đảm bảo vùng trồng luôn duy trì được tình trạng sản xuất theo quy định, tương lai đưa dứa Mường Nhà đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Quỳnh Nga