Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương, sau 10 năm thực hiện, Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới đã đạt những kết quả và thành tựu nổi bật.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là thu hẹp khoảng cách về thu nhập, hưởng thụ dịch vụ giữa người dân nông thôn và đô thị; khó khăn về kết nối tiêu thụ nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm; chưa phát huy hết các tiềm năng và dư địa của nông nghiệp, nông thôn. Trong bối cảnh chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trên toàn thế giới, việc ứng dụng công nghệ số, hệ thống cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… là những giải pháp mang tính đột phá để có thể giải quyết những khó khăn, nút thắt trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam.
Nhưng nhìn chung, việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, manh mún và mang nặng tính tự phát của các cơ quan, đơn vị hoặc các địa phương, doanh nghiệp. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ở nông thôn còn rất thấp (dưới 10%); chưa xây dựng được hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu quan trọng như dân cư, đất đai; còn thiếu nguồn lực tài chính cho triển khai chuyển đổi số ở nông thôn…
Trên tinh thần đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 05/2022/TT-BTTTT quy định, hướng dẫn một số nội dung về thông tin và truyền thông của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Trong đó, Thông tư nêu rõ thực hiện phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn nhằm đáp ứng yêu cầu về hiện đại hóa công nghệ thông tin - truyền thông, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số khu vực nông thôn, đưa hoạt động của người dân lên môi trường mạng, bảo đảm an toàn, đồng bộ, kết nối liên ngành và liên vùng; phát triển các nền tảng số để phục vụ người dân khu vực nông thôn và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nội dung thực hiện phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn gồm: Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, bao gồm phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng (hạ tầng cáp quang, hạ tầng mạng di động thế hệ mới), hạ tầng kết nối Internet vạn vật (IoT); Phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng: Phát triển hạ tầng cáp quang để kết nối tới tất cả các hộ nông dân; phủ sóng điện thoại di động thế hệ mới (4G, 5G) tới tất cả khu vực nông thôn; phát triển hạ tầng kết nối Internet vạn vật (IoT); Phát triển hạ tầng Internet vạn vật (IoT) trong xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển nông thôn thông minh; ưu tiên hình thức thuê dịch vụ chuyên nghiệp, bảo đảm triển khai hiệu quả, tránh chồng chéo, tận dụng tối đa hạ tầng của các tổ chức, cá nhân đã đầu tư.
Đồng thời phát triển các nền tảng số để phục vụ người dân khu vực nông thôn. Phát triển các nền tảng số phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân (thuộc các lĩnh vực liên lạc, mua sắm, giải trí, sức khỏe, học tập, du lịch, đi lại, ăn uống) và các nền tảng số phục vụ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (thuộc các lĩnh vực thương mại điện tử, vận tải, thanh toán điện tử, hợp đồng điện tử...).
Thông tư còn nêu rõ, các nội dung chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã xem xét đưa nội dung về công nghệ số trong nông thôn mới thành một nội dung trọng tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện trong đoạn 2021 - 2025. Hạ tầng chuyển đổi số sẽ là hạ tầng thiết yếu, bao gồm hạ tầng kết nối băng thông rộng với cáp quang phủ sóng về tận nông thôn, tiếp theo hạ tầng kết nối 4G, tiến đến là 5G. Mục tiêu hướng tới mỗi người dân đều được tiếp cận kết nối internet qua các hệ thống kết nối căn bản với các chi phí hợp lý.
“Trong Chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 cần thiết phải xây dựng Đề án Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025 để có được cách tiếp cận tổng thể và toàn diện” - ông Nguyễn Minh Tiến khẳng định.
Yến Hưng