"Đọc sách là điều không thể thiếu, góp phần bồi dưỡng tri thức, tâm hồn, xoa dịu nỗi đau, sự mất mát trong rất nhiều người", diễn giả Nguyễn Kim Thoa chia sẻ.
Tân Việt Books vừa tổ chức talkshow Bí kíp xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ từ sớm với sự tham gia của hai diễn giả nổi tiếng truyền cảm hứng về văn hoá đọc: nhà văn Hồ Thị Hải Âu và CEO Nguyễn Kim Thoa.
Tại sự kiện, nhà văn Hồ Thị Hải Âu chia sẻ câu chuyện của gia đình về việc hình thành thói quen đọc sách từ rất sớm.
Nhà văn Hồ Thị Hải Âu là con út trong gia đình có 6 người con. Bố chị là bác sĩ đọc rất nhiều sách, coi nó như báu vật, thường cất trong tủ và yêu cầu các con “không được nghịch ngợm”. Nhưng trẻ con thường rất tò mò, càng cất kỹ lại càng muốn khám phá, cô bé Hải Âu lúc 5 tuổi cũng như vậy.
Chị kể: “Tôi mở trộm tủ sách, cuốn nào cũng đọc. Sách của bố thường về dòng y khoa vì ông là bác sĩ. Thế nên ngay từ nhỏ, chuyện giới tính bố mẹ không cần dạy tôi cũng tự tìm hiểu được qua sách. Có lần vì mải đọc tôi nấu cơm bị cháy. Tôi nghĩ sẽ bị bố đánh mắng vì hai tội lớn: trộm sách và làm hỏng nồi cơm của cả nhà. Nhưng không, làm gì sai bố có thể đánh mắng nhưng riêng tội trộm sách ông còn cười và bỏ qua”.
Càng đọc sách, cô bé Hải Âu càng đam mê, thấy có quá nhiều tri thức chứa trong đó. Vì thế, thói quen này theo chị tới tận bây giờ, còn truyền cảm hứng cho con gái Lã Hồ Thị Minh Khuê - cô gái Việt từng gây xôn xao cộng đồng vì giành học bổng toàn phần của Đại học Harvard trị giá 320.000 USD.
Sau khi đến Đại học Harvard, Minh Khuê được mời về trường Hà Nội Amsterdam chia sẻ với các bạn về hành trình chinh phục và tồn tại ở ngôi trường danh tiếng bậc nhất thế giới. Cô gái nói: “Đã vượt qua được ngôi trường phát xít Hải Âu rồi thì không có gì là không thể vượt qua”. Điều này khiến nhà văn Hải Âu có phần tự hào nhưng cũng thấy thương con.
“Học tại Đại học Harvard, mỗi tuần Minh Khuê phải đọc hàng nghìn trang tài liệu mà không hề vấp váp, lúng túng, bởi ngay từ lúc 2, 3 tuổi tôi đã cho con tiếp cận với sách. Sách luôn là người bạn trí tuệ và chân tình, cho dù bạn ở độ tuổi nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào... kể cả là nghịch cảnh thì một người bạn tốt có thể giúp bạn lời khuyên hữu ích - luôn là những cuốn sách tốt.
Do đó, giúp trẻ thơ hình thành thói quen thích đọc là trọng trách và sứ mệnh của người lớn, nhất là các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, đọc sách ban đầu không hấp dẫn và ngọt ngào như ăn kem, không dễ dẫn dụ trẻ yêu sách nếu phụ huynh chưa có những 'bí kíp' khiến việc đọc trở nên thú vị. Chúng ta muốn con có một phẩm chất như kim cương khi lớn phải hỗ trợ để trẻ có phẩm chất đó lúc còn bé”, nhà văn Hồ Thị Hải Âu bày tỏ.
Với CEO Tân Việt Books Nguyễn Kim Thoa, chị rất ấn tượng khi biết người Do Thái luôn để con lợn đất ở giường. Mỗi khi bỏ đồng xu vào tạo ra tiếng kêu leng keng như nhắc nhở các thành viên trong gia đình hãy biết yêu thương, chia sẻ với cộng đồng.
“Do Thái được cả thế giới công nhận là dân tộc thông minh nhất trên thế giới. Vua dầu mỏ Rockefeller, trùm tài chính George Soros, trùm tài chính phố Wall Morgan... đều là người Do Thái. Dường như những người thành công nhất đều là đại diện kiệt xuất của dân tộc Do Thái. Vậy tại sao dân tộc này lại sở hữu những doanh nhân tài giỏi đến vậy? Bởi họ dạy con đọc sách từ rất sớm”, bà Kim Thoa chia sẻ.
Bà Kim Thoa cho biết, ngoài con lợn đất, những gia đình Do Thái luôn đặt tủ sách ở đầu giường cho các bé dễ lấy nhất. Người Do Thái vẫn sử dụng hình ảnh con lừa thồ sách để nhắn nhủ con em mình: Nếu chỉ dừng lại ở đọc sách mà không ứng dụng vào cuộc sống thì đó là trí tuệ chết. Điều quan trọng là đọc sách để ứng dụng, chứ không chỉ để biết và tích lũy kiến thức.
“Xây dựng thói quen đọc sách cho con từ nhỏ chính là trao cho trẻ một khối tài sản lớn trong tương lai”, bà Kim Thoa khẳng định.