Các nhà mua hàng lớn từ Hồng Kông (Trung Quốc) đánh giá, tổ yến Việt Nam có chất lượng cao hơn các quốc gia khác. Đây có thể là tiền đề đưa sản phẩm yến thành "tốt nhất thế giới".
Sở Công Thương, Sở NN-PTNT TP.HCM cùng các cơ quan, doanh nghiệp đã tổ chức ký kết hợp tác xây dựng cùng lúc 3 chương trình: 1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP (đặc sản địa phương); Thương hiệu nông sản Cần Giờ; Sàn giao dịch hàng hóa TP.HCM, vào chiều 14/8.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ (TP.HCM) cho biết, địa bàn huyện hiện có khoảng 520 căn nhà yến, sản lượng thu hoạch bình quân 14-15 tấn yến khô/năm.
Yến Cần Giờ đã được chế biến ra thành nhiều mặt hàng, trong đó, có cả cà phê yến. Đặc sản OCOP yến này không còn nằm trong biên giới huyện, thành phố, quốc gia mà đang muốn đi ra thế giới.
Ông Nguyễn Quách Nhi, Giám đốc kinh doanh ngành hàng thực phẩm tiêu dùng (Công ty TNHH Tiki) cho hay, tổ yến Việt Nam là mặt hàng tiềm năng và giá trị cao. Ước tính, quy mô thị trường yến toàn cầu khoảng 8 tỷ USD, trong đó, thị trường Việt Nam là 800 triệu USD.
Trên thế giới chỉ có khoảng 4-5 quốc gia sản xuất, kinh doanh mặt hàng này và đa phần các nhà mua hàng lớn ở Hồng Kông (Trung Quốc) đánh giá, tổ yến Việt Nam có chất lượng cao hơn. Do điều kiện tự nhiên, sản phẩm cũng có vị đậm và mùi thơm hơn.
Cần Giờ có khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Rừng Sác rất nổi tiếng, thích hợp để nghiên cứu phát triển ngành tổ yến. "Trước những điều kiện thuận lợi về sản xuất cũng như thị trường ít đối thủ cạnh tranh, tại sao chúng ta không chủ động xây dựng thương hiệu cho tổ yến Cần Giờ, tổ yến Việt Nam là sản phẩm tốt nhất thế giới. Trong khi, năm 2019, Indonesia đã xuất khẩu yến tới 3,6 tỷ USD", ông Nhi nói.
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương, thừa nhận, người dân có thể mua đặc sản các tỉnh tại thành phố nhưng không tìm được đặc sản của riêng chính thành phố về làm quà.
Do đó, việc xây dựng những câu chuyện liên quan đến sản phẩm như yến, nhằm tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, thu hút người tiêu dùng. Xa hơn, các sản phẩm OCOP sẽ không chỉ kết nối ở thị trường nội địa mà còn có thể mang quy mô toàn cầu.
Sắp có sàn giao dịch thịt theo tại TP.HCM
Cũng trong chiều 14/8, Sở Công Thương TP.HCM, Sở NN-PTNT TP.HCM, Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam đã ký kết hợp tác xây dựng sàn giao dịch thịt heo TP.HCM.
Đại diện Sở Công Thương TP.HCM đánh giá, sàn giao dịch thịt heo sẽ khắc phục được việc phụ thuộc vào thương lái, giá cả bấp bênh, nông dân được quyền quyết định giá bán. Hàng hóa thông qua sàn sẽ đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm cao hơn.
Phía Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, sàn giao dịch thịt heo sẽ hạn chế tầng lớp trung gian; tạo cơ hội cho cơ quan quản lý nhà nước điều tiết cung cầu; bắt nhịp với xu thế đưa công nghệ thông tin ứng dụng giao dịch điện tử khi giao dịch hàng hóa.
Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT, mỗi ngày TP.HCM tiêu thụ 10.000 con heo (tương đương 800 tấn thịt).
Với 5 cơ sở giết mổ gia súc công nghiệp trên địa bàn, mỗi ngày có thể giết mổ 5.000-5.500 con heo cung ứng cho toàn thành phố với quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, kiểm dịch thú y... Còn lại khoảng 4.500 con heo được đưa về từ các tỉnh/thành khác.