Chương trình được thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ về triển khai các hoạt động hưởng ứng "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người", Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7" năm 2023, TP. Hà Nội tổ chức Lễ phát động hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7" năm 2023.
Cả nước đã phát hiện 440 vụ mua bán người với 876 đối tượng và 1.240 nạn nhân
Tại lễ phát động, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo cho biết, tại Việt Nam, từ năm 2016 đã lấy ngày 30/7 hàng năm là Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc.
Loại hình tội phạm này thường hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về quyền con người, tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, an ninh chính trị của mỗi quốc gia nên cần thiết trang bị kiến thức, huy động sức mạnh toàn dân phòng chống và ngăn ngừa.
Giai đoạn 2018-2022, cả nước đã phát hiện 440 vụ mua bán người với 876 đối tượng và 1.240 nạn nhân. Ở Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2023, Công an Thành phố đã khởi tố 3 vụ, 6 bị can về hành vi mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi.
Đối với TP. Hà Nội, Công an Thành phố cho biết, Hà Nội có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng đối với cả nước; là đầu mối có các tuyến giao thông huyết mạch đi qua, đặc biệt tuyến đường bộ là đầu nút của các quốc lộ chính nối liền nhiều tỉnh, thành phố. Đây là điều kiện rất thuận lợi để tội phạm mua bán người lợi dụng, thực hiện hành vi phạm tội qua phương thức trung chuyển trên các tuyến biên giới hoặc ra nước ngoài.
Các đối tượng phạm tội mua bán người thường lợi dụng đặc điểm kinh tế khó khăn, thiếu việc làm ở các địa phương; lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập, thông thoáng trong xuất cảnh; nhất là sự nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác của người dân... để câu kết, hình thành các đường dây đưa người ra nước ngoài, bán vào các động mại dâm, cưỡng ép kết hôn hoặc lao động cưỡng bức…
Buôn bán người luôn tiềm ẩn diễn biến phức tạp
Trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động của tội phạm mua bán người trên địa bàn Thành phố nổi lên thủ đoạn thông qua giới thiệu việc làm tại nước ngoài với mức lương cao. Thời gian gần đây, tình trạng các đối tượng là gái mại dâm trong nước thông qua các đầu mối "dịch vụ" là người Việt Nam ở nước ngoài để xuất cảnh ra nước ngoài hoạt động mại dâm tiềm ẩn nguy cơ bị mua bán, lao động cưỡng bức.
Bên cạnh đó, tình hình các loại tội phạm và vi phạm khác có liên quan như: mua bán mô, bộ phận cơ thể người, tổ chức mang thai hộ… luôn tiềm ẩn diễn biến phức tạp.
Ban Chỉ đạo 138 Hà Nội luôn triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ. Công an Thành phố với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138 Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố và các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra hàng năm về công tác phòng, chống mua bán người.
Trong đó, công tác phòng ngừa xã hội, nhất là công tác tuyên truyền, truyền thông về phòng, chống mua bán người được đặc biệt chú trọng, đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác, chủ động phát hiện, tố giác tội phạm của các tầng lớp nhân dân.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky - PGĐ Công an TP Hà Nội cho biết, Lễ phát động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7”, đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong công tác tuyên truyền, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, người dân chung tay phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng.
“Tội phạm mua bán người trên địa bàn thành phố xuất hiện không nhiều, nhưng đây là một trong những tội phạm hết sức nguy hiểm, tác động xấu đến an ninh trật tự. Thông điệp ngày hôm nay là mở rộng vòng tay hỗ trợ nạn nhân với chủ đề “không ai bị bỏ lại phía sau”, đây là mục tiêu thiết thực trong phòng chống tội phạm của Công an TP Hà Nội” - Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky nói.
Thời gian tới lực lượng công an chủ động phát hiện, ngăn chặn các hoạt động liên quan đến tội phạm mua bán người, nhất là phối hợp cùng địa bàn biên giới ngăn chặn hiệu quả loại tội phạm vô nhân tính này. Công an Thành phố tiếp tục xây dựng thế trận phòng, chống mua bán người, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố xét xử các vụ án. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức quốc tế để phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra các đường dây mua bán người, giải cứu kịp thời các nạn nhân…