“Hung thần” xe ba gác
Sáng 8/5, tại trước số nhà 308, đường Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) xảy ra vụ va nghiêm trọng giữa xe ba gác chở sắt thép và một xe buýt. Hiện trường vụ việc cho thấy, những bó sắt dài đâm xuyên qua kính ở vị trí người lái xe buýt khiến nhiều người thót tim.
Vụ việc không có ai bị thương nhưng đây như một hồi chuông cảnh tỉnh về việc các xe chở vật liệu không đúng quy định đang gieo rắc sợ hãi trên các tuyến đường Hà Nội.
Năm 2016, một vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra tại quận Hoàng Mai cướp đi sinh mệnh một bé trai 9 tuổi. Nguyên nhân vụ việc được xác định, chiều 23/9, ông Đ.N.T. lái xe xích lô chở tôn sắt di chuyển trên phố Tân Mai (quận Hoàng Mai).
Khi đến nhà số 60, ông T. dừng xe lại gọi điện cho khách ra lấy hàng. Trong lúc ông T. đỗ xích lô trên đường chờ thì có 3 cháu bé 9 tuổi đi xe đạp từ phố Nguyễn Chính ra hướng Hồ Đền Lừ, vừa đi vừa đùa nhau. Cháu H. đi nhìn 2 bạn, không để ý phía trước nên đã va cổ vào tấm tôn. Hậu quả, cháu H. bị thương nặng và tử vong trên đường đi cấp cứu.
Cơ quan chức năng khẳng định, cái chết của cháu bé là do ông T. điều khiển phương tiện giao thông đỗ xe không đúng nơi quy định, chở hàng quá giới hạn cho phép, không có tín hiệu cảnh báo.
Ngày 22/5/2019 cũng xảy ra một vụ việc xe ba gác khác bị lật nghiêng, đè chết một người đàn ông đi xe máy xảy ra tại dốc Đoàn Kết (đoạn trước số nhà 493 phố Vĩnh Hưng quận Hoàng Mai, Hà Nội) đến nay vẫn còn nhiều ám ảnh.
Theo người dân chứng kiến, vào thời gian trên, chiếc xe ba gác chở theo các thùng hàng khi đang xuống dốc bị lật ngang khiến hàng hóa đổ đè vào một người đi đường. Khi dỡ các thùng hàng ra thì người dân bàng hoàng phát hiện một người xấu số nằm bất động, nạn nhân tử vong khi đi cấp cứu.
Ngoài các vụ việc trên, hàng loạt các vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên đường phố Hà Nội gieo rắc nỗi ám ảnh cho nhiều người. Xuất hiện cùng những chiếc xe ba gác là những hàng hóa vật liệu sắc nhọn như “lưỡi hái” di động trên phố.
Tùy mức độ có thể bị xử lý hình sự
Trao đổi dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, các dòng xe ba gác chất lượng, được sản xuất đảm bảo tính an toàn mới được phép lưu thông sau khi đã đăng ký, cấp biển số xe, và làm các thủ tục đầy đủ.
“Những trường hợp người dân dùng xe gắn máy có đăng ký biển số hợp pháp. Sau đó lắp ráp thêm hai chiếc bánh để chuyển sang xe chở hàng vẫn sẽ bị cấm. Bởi vì những chiếc xe này vẫn thuộc diện là loại xe tự chế sẽ bị cấm lưu thông”, ông Hải nhấn mạnh.
Đối với trường hợp xe ba bánh cho thương binh và người khuyết tật, luật sư Hải cho biết, quy trình kiểm tra an toàn và đối tượng sử dụng rất cụ thể, từ cấp giấy chứng nhận đăng ký, biển số… Các bước trên đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Về cách chở hàng hóa, luật sư Nguyễn Thanh Hải cho biết, căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 19 Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT quy định khi xếp hàng lên xe ba bánh nêu trên cần phải tuân thủ điều kiện sau:
Về chiều ngang không vượt quá theo thiết kế giá đèo hàng của nhà thiết kế, nhà sản xuất về mỗi bên 0,3m; Về phía sau không vượt quá giá đèo hàng 0,5m; Về chiều cao không cao quá 1,5m tính từ mặt đường xe chạy; Khi bạn xếp hàng trên xe cần phải tuân thủ theo quy định nêu trên về việc xếp hàng để không vi phạm quy định về giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông.
Về hình thức xử lý với xe vi phạm, theo ông Hải, mức phạt đối với các loại xe ba gác thực hiện sai quy định nhẹ thì bị cảnh cáo. Nếu nặng hơn đối với xe tự chế thì lực lượng chức năng sẽ tiến hành bắt giữ và tịch thu.
Nếu việc lưu thông xe ba gác gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như gây chết người thì chủ phương tiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điển hình như việc ông Đ.N.T. chở tôn làm chết một cháu bé ở Hoàng Mai, Tòa án nhân dân quận Hoàng Mai quyết định xử phạt bị cáo T. 6 tháng cải tạo không giam giữ giao cho địa phương quản lý về hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo khẩn
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ngày 9/5 chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, xử lý xe thô sơ, xe cơ giới 3 bánh, xe tự chế, các phương tiện giao thông chở hàng hóa cồng kềnh gây mất trật tự, an toàn giao thông.
Lãnh đạo Hà Nội giao Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, công an các quận, huyện, thị xã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp xe tự chế, xe giả danh thương binh, xe đứng tên thương binh nhưng cho thuê, mượn để vận tải hàng hóa.
Thống kê của Công an TP Hà Nội năm 2020 cho thấy trên địa bàn còn khoảng gần 6.000 xe 3 bánh tự sản xuất, lắp ráp. Trong đó, chỉ có khoảng 1.316 xe của thương, bệnh binh, còn lại của các đối tượng giả thương binh để nhằm mục đích vận chuyển hàng hóa thuê.
Đức Phong