Cách đây chưa lâu, các nhà nghiên cứu từ Đại học Nebraska-Lincoln đã tiến hành thử nghiệm va chạm liên quan đến xe bán tải điện Rivian R1T, nặng gần 3,2 tấn. Theo đó, chiếc xe bán tải điện này được yêu cầu lao qua hệ thống lan can và rào chắn bê tông ở vận tốc 100 km/h.
Điều đáng kinh ngạc là chiếc xe này đâm thủng lan can mà hầu như không có dấu hiệu giảm tốc độ và chỉ chịu dừng lại sau khi đã phá nát rào chắn bê tông. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra đây không phải là mẫu xe duy nhất gây ra những lo ngại về an toàn khi chạy trên đường cao tốc. Trước đó, vào năm 2018, chiếc xe sedan chạy điện Tesla Model 3 cũng đã húc bay lan can một cách dễ dàng.
Video
Sau khi phân tích các vụ va chạm, các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra rằng các lan can thường đang được lắp trên những con đường cao tốc tại Mỹ không được chế tạo để chịu lực đâm của các phương tiện nặng trên 2,3 tấn. Trong khi, trọng lượng xe điện có thể nặng hơn từ 20-50% so với xe sử dụng động cơ đốt trong, điều đó cho thấy các nhà thiết kế lan can có thể đã không lường trước được điều này.
Ông Cody Stolle, trợ lý giám đốc của tổ chức nghiên cứu của Đại học Nebraska-Lincoln nhận định: "Cần phải kiểm tra lại thiết kế của các lan can bên đường, đó là một nhu cầu cấp thiết và kịp thời để thiết kế các hệ thống lan can mới, xác nhận kết quả đó bằng thử nghiệm va chạm."
Theo công Stolle, các Sở Giao thông Vận tải trên toàn nước Mỹ có thể nâng cấp hệ thống rào chắn bên đường chắc chắn hơn, phù hợp với các loại xe có trọng lượng nặng như xe điện.
Những lo ngại về an toàn không chỉ ảnh hưởng đến những người ngồi trong xe, nghiên cứu của trường đại học này cũng chỉ ra vấn đề quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Quân đội Mỹ lo ngại những người có mục đích xấu có thể sử dụng xe điện để đâm xuyên qua các rào chắn tại các địa điểm nhạy cảm.
Trong khi giải pháp đối với quân đội có thể tương đối đơn giản, chỉ cần làm các rào chắn vững chắc hơn thì các nhà thiết kế đường cao tốc sẽ cần cân nhắc kỹ lưỡng hơn một chút.
Một lan can đủ chắc chắn để ngăn chặn được một chiếc xe điện nặng 3,2 tấn nhưng cũng phải đủ mức độ biến dạng để không phá hủy một chiếc xe nhỏ gọn sử dụng động cơ đốt trong nặng hơn 1,1 tấn. Theo ông Stolle, đó chính xác là lý do tại sao trường đại học Nebraska-Lincoln phải tiến hành cuộc thử nghiệm này.
Theo Eurekaler, Carscoops
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!