Xe điện làm mưa làm gió trên thị trường Quốc tế
Năm 2022 là một năm thế giới chứng kiến sự bùng nổ của xe hơi chạy bằng động cơ điện toàn phần, đánh dấu những bước tiến vững chắc của loại hình phương tiện mới này và càng cho thế giới thấy được tầm quan trọng của nó, khi mà giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao chóng mặt do nhiều yếu tố như chiến tranh, vận chuyển...
Người dân đổ xô đi mua xe điện với một mức độ đáng kinh ngạc. Trên toàn cầu, cứ 10 chiếc ô tô bán ra, có 1 ô tô là xe điện toàn phần. Còn theo nghiên cứu sơ bộ được công bố đầu năm 2023 từ LMC Automotive và EV-Volumes thì cho rằng, đã có 7,8 triệu chiếc xe điện được bán ra năm 2022, tăng 68% so với năm 2021.
Tại Đức, doanh số bán ô tô điện đã đạt thị phần hơn 17%, ngang bằng với thị phần ô tô chạy dầu diesel và chiếm bằng hơn một nửa thị phần của xe xăng truyền thống. Có thể nói, đây là một thị trường hàng đầu về xe điện trên thế giới hiện nay.
Còn tại Anh, dù cho năm 2022 là một năm đáng buồn của ngành ô tô nước này khi doanh số bán hàng chạm mức thấp nhất 3 thập kỷ qua nhưng thị phần xe điện vẫn đạt trên 16%. Điều này góp phần thúc đẩy sự đi lên chung của thị trường xe điện quốc tế.
Xe điện Trung Quốc "đội lốt" châu Âu tăng trưởng chóng mặt
Khi nhắc đến sự thành công và phát triển rực rỡ của xe điện tại châu Âu thì không thể bỏ qua Trung Quốc, nhà cung cấp cũng như phân phối lớn nhất cho thị trường này. Còn khi nhắc tới xe điện Trung Quốc tại châu Âu, thì không thể không nhắc tới Polestar.
Ngạc nhiên rằng thay vì BAIC, JAC hay SAIC, những ông lớn xe điện Trung Quốc, thì Polestar, công ty con của Tập đoàn Geely với phong cách châu Âu mới là ngôi sao sáng tới từ ngành công nghiệp ô tô mới nổi của quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Trong năm 2022, chỉ riêng tại thị trường Đức, Polestar đã đạt mức tăng trưởng tới 166,4%, chiếm kỷ lục về tốc độ phát triển vượt mọi đối thủ trong cùng phân khúc cũng như trên toàn bảng tổng sắp về xe cộ.
Theo nhà sản xuất công bố, năm 2022, Polestar sẽ bàn giao hơn 50.000 xe tới cho khách hàng trên 27 quốc gia, chủ yếu là tại châu Âu, tăng gấp đôi so với số xe được bán ra năm 2021, vốn là năm đầu tiên mà dây chuyền sản xuất hoạt động hết công suất.
Giấu nhẹm gốc gác “Made in China”
Polestar có trụ sở chính đặt tại Gothenburg của Thụy Điển và được thừa hưởng những nét tinh túy từ thiết kế sang trọng, lịch sự của Volvo. Chính vì vậy mà hãng xe này nhanh chóng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng bởi phong cách đậm “châu Âu” của mình.
Dẫu vậy, ít ai biết rằng, Polestar chính là công ty con của tập đoàn Geely nổi tiếng trong lĩnh vực xe điện và những chiếc Polestar hoàn toàn được sản xuất tại nhà máy của Geely tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
Năm 2010, nhằm định hướng phát triển mở rộng ra thị trường quốc tế, Geely Holding Group đã mua lại hãng Volvo Cars từ Thụy Điển. Năm 2015, Volvo mua lại Polestar Performance - đối tác chuyên nâng cấp các sản phẩm xe Volvo giống như AMG chuyên "độ" xe Mercedes-Benz, bắt đầu sản xuất các xe Volvo đi kèm cái tên Polestar.
Năm 2018, Polestar được định hướng chuyên về sản xuất ô tô điện với sản phẩm đầu tiên mang tên Polestar 1. Geely tập chung sản xuất Polestar với công nghệ về dây chuyền vận hành tại nhà máy ở thành phố Thái Châu, nơi cũng đang có dây chuyền sản xuất xe điện Volvo.
Rất nhiều người tiêu dùng tại Mỹ đã bất ngờ khi được cho biết rằng chiếc xe điện mang thương hiệu Polestar của họ là một chiếc xe điện đến từ Trung Quốc. Ngay từ đầu, họ đã không được giới thiệu về những điều đó, và khi tìm kiếm trên những nền tảng số đều chỉ dẫn rằng hãng xe có trụ sở chính đặt tại Thụy Điển như một minh chứng cho thấy sự “Âu” của nó.
Dẫu vậy, cũng phải nói rằng đây là một hãng xe có định hướng phát triển tốt và phù hợp, với sự tăng trưởng nhanh chóng cũng như được sự đón nhận tới từ khác hàng lẫn cộng đồng yêu thích xe điện.
Hùng Dũng (Tổng hợp)
Bạn có góc nhìn thế nào về thương hiệu ô tô Polestar? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!