Sáng 20/11, nữ tài xế Mercedes GLC 250 đã gây ra tai nạn liên hoàn khiến một người tử vong tại Hà Nội. Xe tông vào một xe đạp điện rồi tiếp tục va chạm với 3 xe máy khác trước khi dừng lại và bốc cháy. Theo thông tin, ôtô này vừa được mua vào đầu tháng 11 tại một đại lý Mercedes ở Hà Nội.
Tài xế khai với cơ quan chức năng định đạp phanh dừng đèn đỏ, nhưng do đi giày cao gót và mất bình tĩnh nên đạp nhầm chân ga dẫn đến tai nạn liên hoàn.
Chiếc Mercedes GLC 250 gây tai nạn có giá gần 2 tỷ đồng. Ảnh:Hoàng Đông. |
Trao đổi với Zing.vn, Mercedes-Benz Việt Nam cho biết chiếc xe gặp tai nạn là Mercedes GLC 250 4MATIC sản xuất năm 2019. Ở thời điểm hiện tại, xe có giá bán 1,989 tỷ, chi phí lăng bánh hơn 2,2 tỷ đồng. Theo thông tin từ Cục Đăng kiểm, chiếc xe đăng ký ngày 1/11/2019, tức là gần 20 ngày trước khi xảy ra tai nạn.
Mẫu xe trong vụ tai nạn có trang bị hệ thống Collision Prevention Assist Plus (CPA Plus) với chức năng hỗ trợ tự động giảm tốc khi phát hiện có khả năng xảy ra va chạm. Trong email gửi Zing.vn, Mercedes-Ben Việt Nam viết "hệ thống này có thể tuỳ chọn tắt hoặc mở".
Trên đời xe Mercedes GLC 2019 sản xuất trong nước, CPA Plus là thế hệ cũ, hoạt động dựa trên tín hiệu từ cảm biến có góc quét khoảng 30 độ và tầm quét khoảng 80 mét phía trước đầu xe.
Mô phỏng hoạt động của hệ thống CPA Plus sử dụng cảm biến trên xe Mercedes. Ảnh:Mercedes-Benz. |
Hiện tại, một số dòng xe Mercedes tại Việt Nam như C-Class, E-Class và S-Class có trang bị hệ thống CPA Plus thế hệ mới, sử dụng camera và radar để nhận diện không gian xung quanh xe, có tầm quét rộng hơn, xa hơn và chính xác hơn. Tuy vậy, tính năng này lại không thể sử dụng được ở Việt Nam.
Nguyên nhân do hệ thống CPA Plus mới sử dụng công nghệ radar có tần số trùng với tần số của Bộ Quốc phòng. Vì vậy hệ thống tạm thời không được cấp phép sử dụng tại Việt Nam.
Hệ thống CPA Plus thế hệ cũ trên Mercedes GLC bán tại Việt Nam sử dụng tín hiệu từ cảm biến để dự đoán tình huống có thể xảy ra va chạm. |
Trong vụ việc xảy ra tại Hà Nội, xe Mercedes GLC chỉ dừng hẳn khi đã xảy ra liên tiếp va chạm với các phương tiện khác. Theo đó, chức năng phanh khẩn cấp tự động trong hệ thống CPA Plus đã không hoạt động trong tình huống này.
Nguyên nhân có thể do hệ thống CPA Plus cũ trên chiếc Mercedes GLC 250 đã bị tắt trước vụ tai nạn, hoặc có thể hệ thống này vẫn mở nhưng đã không hoạt động chuẩn xác và tai nạn vẫn xảy ra.
Theo Mercedes-Benz Việt Nam, hệ thống CPA Plus cũ dùng cảm biến không hoạt động nhạy trong một số trường hợp nhất định. Chẳng hạn như khi gặp xe di chuyển ngược chiều, phương tiện giao thông quá nhỏ, phương tiện ở ngã tư băng ngang, người đi bộ hoặc động vật.
Hiện trường xe Mercedes GLC 250 gây tai nạn. Ảnh:Hoàng Đông. |
Hiện tại, ngoài các thương hiệu xe sang thì ngày càng nhiều ôtô phổ thông tại Việt Nam được trang bị các tính năng an toàn thông minh, trong đó bao gồm chức năng phanh khẩn cấp tự động, có thể kể đến như Mazda3, Mazda CX-5, Subaru Forester hay trước đây là Ford Focus.
Để phòng tránh các tai nạn đáng tiếc, nhà sản xuất khuyến cáo người dùng nên kích hoạt và sử dụng các chức năng an toàn được trang bị theo xe. Tuy nhiên, người lái cũng không nên phụ thuộc vào các hệ thống điện tử, mà luôn cần tập trung và cẩn trọng khi điều khiển xe tham gia giao thông.
Các nhà sản xuất ôtô như Volvo, Honda đều đưa ra lời khuyên, những hệ thống an toàn về cơ bản chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho người lái trong các tình huống nguy cấp chứ không thể hoàn toàn phòng ngừa được tai nạn.
Theo Zing
Bí quyết tránh đạp nhầm chân ga của nữ xế Lạng Sơn
Nhầm chân phanh với chân ga là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tai nạn giao thông đối với người lái xe ôtô.