Mới đây, Bộ NN-PTNT có văn bản gửi các tỉnh Long An, Tây Ninh, Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang, Bình Phước tập trung chỉ đạo, tổ chức ngăn chặn việc vận chuyển trái phép sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc qua biên giới.
Bộ NN-PTNT dẫn thông tin phản ánh của doanh nghiệp, thời gian gần đây, có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân vận chuyển các sản phẩm từ động vật nhai lại có chứa bột xương thịt (MBM), protein động vật đã qua chế biến (PAPs) và có thể là các sản phẩm như bột hồng cầu và bột xương động vật từ châu Âu (nơi có dịch bò điên) qua cửa khẩu Campuchia bằng xe tải hoặc sà lan vào Việt Nam.
Để không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, sức khỏe người dân, Bộ NN-PTNT yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng ngăn chặn và xử lý nghiêm việc vận chuyển trái phép sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không được phép vào Việt Nam.
Cụ thể, quán triệt, hướng dẫn, tuyên truyền người dân và doanh nghiệp tại địa phương không tiếp tay hợp thức hóa sản phẩm không rõ nguồn gốc trên thị trường, không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định.
Đồng thời, chỉ đạo lực lượng chức năng của địa phương, đặc biệt lực lượng bộ đội biên phòng tổ chức tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, đường sông... Từ đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chấm dứt tình trạng buôn bán, vận chuyện trái phép sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không được phép vào Việt Nam nghi ngờ nhập lậu từ Campuchia.
Trường hợp bắt được các lô hàng sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay. Nhưng trước khi tiêu hủy, cần lấy mẫu gửi các cơ quan thú y để xét nghiệm.
Giao các cơ quan, lực lượng chức năng, cơ quan công an của địa phương khẩn trương thành lập các chuyên án, điều tra, đấu tranh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tiếp tay cho việc hợp thức hóa, làm giả, làm trái quy định các loại giấy tờ kiểm dịch nhập khẩu, kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh.
Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu các tỉnh chỉ đạo Ban chỉ đạo 389 các cấp phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật vào nước ta.
Cùng với đó, hướng dẫn các đơn vị có liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cư dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm, tác hại của việc nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, phòng ngừa gian lận thương mại qua biên giới, Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.
Bệnh bò điên lây lan nhanh tại Anh và một số nước châu Âu hồi thập niên 90 của thế kỷ trước. Căn bệnh này thực sự gây chú ý khoảng vài thập niên trước khi một số bệnh nhân tại Anh nhiễm bệnh do ăn thịt gia súc mắc bệnh. Bệnh bò điên có thể lây sang người. Tình hình nghiêm trọng đến mức vào năm 1996, Liên minh châu Âu đã ban hành lệnh cấm buôn bán và tiêu thụ thịt bò và các sản phẩm liên quan có nguồn gốc từ Anh trên toàn cầu và phải đến 3 năm sau lệnh cấm này mới được gỡ bỏ. |