Khi bạn muốn thoát khỏi một bãi đậu xe chật hẹp hoặc mệt mỏi khi phải tự lái xe lúc đường kẹt cứng, có lẽ bạn sẽ ước chiếc xe của mình có khả năng tự lái (Self-Driving hay Autonomous Driving) bởi khi đó, trí tuệ nhân tạo AI sẽ tự tính toán và làm thay bạn những thứ khó nhất. Lúc này, bạn chỉ cần ngồi thư giãn, lướt mạng hay uống cafe để nhìn "trợ lý" của mình trổ tài.
Chính từ nhu cầu được nghỉ ngơi đã khiến công nghệ xe tự hành phát triển và được cho là sẽ chi phối nền công nghiệp sản xuất ô tô thế giới trong tương lai gần. Từ năm 2014, xe tự hành đã được Hiệp hội kỹ sư xe hơi (SAE) và Cơ quan quản lý đường cao tốc Hoa Kỳ (NHTSA) chia ra làm 5 cấp độ chính.
Trong đó, ở cấp 5 với mức độ tự hành cao nhất, chiếc xe sẽ tự tính toán và kiểm soát những chuyển động ngang, dọc, phanh, tăng tốc và tự động bật tắt các loại đèn, còi,.... Ở cấp độ này, xe không yêu cầu sự trợ giúp của người lái trong bất kỳ tình huống nào, do đó xe cũng không cần có tay lái, chân ga và chân phanh.
Một số người cho rằng, chế độ lái tự động và một số tính năng hỗ trợ người lái đã khiến việc lái xe trở nên nguy hiểm hơn. Sự thật có phải như vậy hay không? Dưới đây là phân tích từ trang HotCars về vấn đề này.
Số vụ tai nạn liên quan đến xe tự hành tăng lên
Vấn đề lớn nhất là sự phụ thuộc quá mức của một số tài xế vào hệ thống lái tự động trên xe. Khi chiếc xe có cấp độ tự hành cao (từ cấp 3 trở lên), người lái xe bắt đầu tin tưởng vào hệ thống lái tự động hơn. Họ giao quyền kiểm soát chiếc xe của mình cho các thuật toán AI và mất tập trung trong quá trình lái xe. Quá trình này tạo ra những rủi ro lớn bởi AI dù sao cũng vẫn là do con người tạo ra.
Dữ liệu do các cơ quan quản lý an toàn giao thông của Hoa Kỳ công bố cho thấy, chỉ trong vòng 11 tháng gần đây, đã có tổng cộng 392 vụ tai nạn do ô tô có hệ thống hỗ trợ người lái tự động gây ra. Trong đó, các vụ tai nạn của xe Tesla chiếm gần 70%.
Dù liên tục cải tiến và update phần mềm nhưng rõ ràng Tesla và những hãng khác vẫn phải công nhận là xe tự hành không an toàn tuyệt đối. Các nhà nghiên cứu cho rằng, AI trên xe không thể phản ứng với các tình huống bất ngờ nhanh bằng con người. Vì vậy, tại sao lại giao trách nhiệm bảo vệ sự an toàn của mình cho chế độ tự lái?
Dễ bị "hack"
Gần đây, việc một tài khoản ngân hàng hay mạng xã hội bị "hack" là tương đối dễ dàng. Điều này cũng hoàn toàn có thể gặp phải với xe ô tô. Với phương tiện không người lái, nguy cơ bị tấn công mạng còn đáng sợ hơn vì chủ sở hữu không chỉ dễ bị đánh cắp danh tính mà còn nguy hiểm đến cả tính mạng.
Hacker có thể truy cập vào ô tô và có toàn quyền kiểm soát nó từ xa. Những kẻ xấu sẽ lập trình cho chiếc xe tự đến một địa điểm nào đó để lấy chiếc xe cùng toàn bộ đồ đạc. Tệ hơn nữa, việc này còn khiến những người khác bị vạ lây trên đường.
Đã có một số vụ hack xe như vậy xảy ra. Gần đây nhất, tin tặc đã truy cập từ xa vào một chiếc xe Jeep Cherokee khi tài xế vẫn ngồi trên xe và điều khiển để chiếc xe này tự lái ra đường cao tốc với tốc độ hơn 110 km/h. Mặc dù sau đó tài xế đã giành lại được quyền kiểm soát chiếc xe nhưng thật bất an nếu điều này có thể xảy ra với chiếc xe của bạn bất cứ lúc nào.
Gia tăng ùn tắc và ô nhiễm
Công nghệ xe tự lái làm cho những người không có bằng lái, những người bị cấm lái xe do lạm dụng chất kích thích, trẻ em,... vẫn có thể ngồi một mình trên xe. Thậm chí chiếc xe còn có thể tự di chuyển mà không cần có người trên xe. Điều này đặt ra vấn đề về lượng xe tăng đột biến, làm gia tăng nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn.
Nghiên cứu từ Đại học Adelaide nhấn mạnh rằng, ô tô không người lái có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn giao thông trong những thập kỷ sắp tới do thái độ của người lái xe thay đổi. Theo nghiên cứu, chủ sở hữu của các phương tiện tự hành sẽ có xu hướng di chuyển nhiều hơn và ít "chia sẻ chuyến đi với người khác", hay hiểu nôm na là số người trên mỗi xe ngày càng ít đi.
Trong khi đó, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) đề cập rằng, mức tiết kiệm nhiên liệu trung bình của một chiếc xe là khoảng 22,0 dặm/gallon (10,7 lít/100km). Với mức di chuyển trung bình khoảng 11.500 dặm (18.500 km) mỗi năm thì chiếc xe đó sẽ thải ra khoảng 4,6 tấn carbon dioxide. Hãy tưởng tượng con số này sẽ "khủng" thế nào khi chúng ta có nhiều hơn các phương tiện tự lái trên đường.
Tất nhiên, công nghệ xe tự hành luôn đi cùng với việc phát triển và sản xuất xe điện trong tương lai, khi đó những chiếc xe tự hành chạy điện sẽ không phát thải CO2 ra môi trường. Tuy vậy, tiết kiệm điện cũng chính là tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường bởi lượng lớn điện năng ngày nay vẫn tạo ra từ than đá. Chưa kể đến lượng pin khổng lồ cần phải xử lý từ khi chúng bị thải bỏ.
Theo HotCars, TechTarget
Mời bạn đọc cộng tác, gửi tin bài về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!