Công nghệ VAR vừa được ứng dụng lần đầu tiên trong khuôn khổ World Cup , và hiện vẫn đang tạo ra những ấn tượng nhất định trong việc hỗ trợ trọng tài xử lý tình huống. Đây thực sự là một điều mới mẻ với những ai còn quen với cách thức cũ, chưa chứng kiến nhiều công dụng của VAR trong những thế cờ nhạy cảm của bóng đá.
Một trong những tình thế gây tranh cãi nhiều nhất, và cũng khiến không ít các chị các mẹ lắc đầu mãi không thể hiểu nổi, đó chính là việt vị. Nói theo cách tóm gọn và đơn giản, việt vị xảy ra khi một cầu thủ đội mình đứng ở vị trí gần đường biên ngang cuối sân hơn cầu thủ đội bạn (trừ thủ môn) tính từ thời điểm chuyền bóng và nhận bóng.
*Thực chất, điều kiện việt vị sẽ bao hàm nhiều lớp tình huống chính xác hơn, nhưng trong bài viết này chúng ta cứ tạm hiểu như vậy vì đó là hình thức hay xảy ra nhất của việt vị.
Vậy công nghệ VAR thì có ích gì hơn so với camera thường trước đó trong những tình huống này? Sau đây là lời giải thích:
Bình thường, một camera tổng quan sẽ được đặt ở chính giữa vạch vôi chia đôi sân vận động, sau đó chiếu theo hướng bóng lăn. Như vậy, toàn cảnh trận đấu sẽ được theo dõi bao quát nhất về cách chơi của từng đội.
Thi thoảng, tùy theo lệnh của nhà đài phát sóng thì sẽ chuyển cảnh sang các camera cận cảnh soi vào cầu thủ. Nhưng sau đó sẽ quay trở lại camera tổng quan này ngay.
Tuy vậy, mỗi khi quay góc máy theo bóng về phía sân bị dồn ép, góc nhìn sẽ không còn thẳng và song song với mặt kẻ vôi của sân.
Điều này đồng nghĩa với việc không thể theo dõi chính xác tình huống việt vị kể cả khi xem lại video ghi hình. Đơn giản, góc quay đã bị méo, không còn song song với vạch biên để xác định vị trí tương đối của cầu thủ trong tình huống bị nghi là việt vị.
Nhưng cách xử lý của VAR hoàn toàn khác. Hãy nhìn bức ảnh so sánh góc quay của camera tổng quan thông thường và VAR sau đây:
Theo ảnh so sánh, thay vì bị méo góc nhìn như ở camera tổng quan, hệ thống camera của VAR đã làm rất tốt trong việc khắc phục điều đó. Hình ảnh ở cùng một góc quay đã được căn chỉnh đúng lề sân, song song với vạch biên cuối để theo dõi chính xác từng li từng tí về khoảng cách của cầu thủ.
Chính Hawk-Eye Innovations, thương hiệu tài trợ và lắp đặt hệ thống VAR cho World Cup 2018 cũng đã lên tiếng về bức ảnh trên: "Một lỗi kỹ thuật về hình ảnh vừa được phát hiện ở trận đấu trước đó. Dù vậy, những thước phim ghi lại riêng bởi VAR đã làm nhiệm vụ rất tốt, hiển thị đúng góc quay chính xác. Chúng tôi xin lỗi vì đã cung cấp nhầm hình ảnh tới các bên nhà đài bình luận tình huống này."
Lý giải cho điều này, đó là vì hệ thống camera của VAR bao gồm tận 33 camera chi tiết. Trong số đó, có những camera cốt lõi được đặt cố định ở mọi góc quay quan trọng theo sơ đồ sau:
Với lý do này thì có lẽ sẽ có thêm kha khá người thay đổi định kiến, chuyển sang ủng hộ VAR thay vì tranh cãi về sự can thiệp của công nghệ vào bóng đá truyền thống. Hơn nữa, chẳng phải phái nữ cũng sẽ cảm thấy thú vị hơn khi hiểu rõ được về tình huống việt vị hay sao nhỉ?
Theo GenK