Video: Teletruth
Video được trang tin Teletruth công bố gần đây cho thấy, chiếc UAV cảm tử Lancet Nga đang hoạt động ở bờ phía tây sông Dnieper thuộc địa phận tỉnh Kherson thì chợt phát hiện một nhóm binh sĩ Ukraine di chuyển gần đó. Sau một thời gian theo dõi, chiếc UAV đã thấy quân Ukraine giấu hệ thống phòng không Osa bên trong một nhà kho dân sự và lập tức thực hiện đòn tấn công vào đó.
Theo nhận định của các chuyên gia quân sự độc lập, radar lắp trên hệ thống Osa dù đủ khả năng phát hiện các mục tiêu đối phương bay ở độ cao thấp đến trung bình trong khoảng cách vài chục km, nhưng các binh sĩ Ukraine điều khiển có thể đã không kích hoạt radar trên nóc xe nên hoàn toàn không phát hiện các UAV của Nga đang hoạt động gần đó.
9K33 Osa (Osa trong tiếng Nga nghĩa là Ong bắp cày) là hệ thống tên lửa đất đối không chiến thuật tầm ngắn được Liên Xô đưa vào biên chế từ năm 1972, với nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu đối phương bay ở độ cao thấp đến trung bình. Osa có trọng lượng gần 18 tấn; dài 9,1m; rộng 2,78m, cao 4,2m (khi radar lắp trên nóc xe được xếp gọn). Kíp chiến đấu 5 người.
Osa được trang bị động cơ diesel 2D20B có công suất 300 mã lực. Nhờ vậy, xe có thể di chuyển với vận tốc 80 km/h trên địa hình bằng phẳng, với phạm vi hoạt động lên tới 500km. Osa sở hữu ưu điểm mà rất ít hệ thống phòng không trên thế giới có được, đó là khả năng lội nước với vận tốc 8 km/h.
Osa sử dụng tên lửa đất đối không 9M33 nặng 126kg, dài 3,2m, đường kính 0,21m. Tên lửa này có đầu đạn phân mảnh nặng 20kg. Tốc độ tối đa khi bay của 9M33 là 1.020 m/s, với tầm bắn động là 10km.
Do đảm nhiệm nhiệm vụ chống máy bay đối phương, nên Osa được tích hợp một radar trên nóc có khả năng phát hiện được mục tiêu bay của đối phương ở khoảng cách lên tới 30-40km. Tuy nhiên, hệ thống này còn có thể nhận sự hỗ trợ từ các loại radar cảnh giới cấp trung đoàn như P-40 Long Track, P-15 Flat Face hoặc PRV-9.