Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV đã cho phát sóng trực tiếp vụ phóng. Trong đó, mô-đun phòng thí nghiệm Vấn Thiên được tên lửa Trường Chinh 5B, một trong những tên lửa đẩy mạnh nhất của đại lục, đưa lên quỹ đạo lúc 13h22 ngày 24/7 (theo giờ Việt Nam) từ Trung tâm phóng vệ tinh Văn Xương ở đảo Hải Nam.
Các nhân viên của cơ quan vũ trụ đã reo hò, vỗ tay khi chứng kiến Vấn Thiên tách khỏi tên lửa đẩy khoảng 10 phút sau khi rời bệ phóng. CCTV đưa tin, vụ phóng đã "hoàn toàn thành công".
Theo Reuters, Trung Quốc bắt đầu xây dựng trạm vũ trụ vào tháng 4/2021 và việc phóng mô-đun Thiên Hà, khu vực cư trú chính của Thiên Cung, là nhiệm vụ đầu tiên trong số 11 sứ mệnh nhằm tạo lập trạm vũ trụ này.
Cùng với một mô-đun phòng thí nghiệm khác chưa được đưa vào không gian có tên Mộng Thiên, mô-đun Vấn Thiên, dài 17,9 mét sẽ là nơi các phi hành gia có thể thực hiện các thí nghiệm khoa học. Vấn Thiên có một cabin khóa gió, là nơi ra - vào chính cho các hoạt động bên ngoài trạm vũ trụ. Nó cũng sẽ đóng vai trò là nơi sinh sống ngắn hạn cho các phi hành gia trong thời gian làm nhiệm vụ luân phiên trên Thiên Cung và được thiết kế để cung cấp chỗ ở dài hạn cho tối đa 3 phi hành gia.
3 nhà du hành vũ trụ thuộc phi hành đoàn của sứ mệnh Thần Châu 14 hiện có mặt ở Thiên Hà để chờ sự xuất hiện của mô-đun mới. Họ sẽ tham gia xây dựng trạm vũ trụ và tổ chức một bài giảng khoa học trực tiếp đầu tiên từ Vấn Thiên sau khi kiểm tra mô-đun này. Cả 3 dự kiến quay trở lại Trái đất vào tháng 12 khi phi hành đoàn của sứ mệnh Thần Châu 15 đến thay thế.
Mô-đun Mộng Thiên dự kiến sẽ được đưa lên quỹ đạo vào tháng 10 năm nay và cùng với 2 mô-đun trước đó tạo thành một cấu trúc hình chữ T. Sau khi hoàn thành, trạm Thiên Cung dự kiến sẽ nặng bằng 1/5 trọng lượng của Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).
Tuấn Anh