Video: Voenhronika.ru
Dựa vào tọa độ được UAV trinh sát gửi về, một UAV cảm tử Lancet của Nga sau đó đã bay đến và thực hiện đòn tấn công vào khí tài đối phương.
Giới chuyên gia quân sự độc lập nhận định rằng, việc UAV Lancet của Nga có thể tiếp cận và tấn công xe chở tên lửa phòng không Strela-10 Ukraine một cách dễ dàng như vậy là bởi radar phòng không lắp trên hệ thống này khi đó không hoạt động.
9K35 Strela-10 (Strela trong tiếng Nga nghĩa là Mũi tên) là hệ thống tên lửa đất đối không tầm ngắn được Liên Xô đưa vào biên chế từ năm 1976, với mục đích tiêu diệt các mục tiêu bay ở độ cao thấp đến trung bình chẳng hạn như trực thăng.
Strela-10 có trọng lượng 12,1 tấn, dài 6,45m, rộng 2,85m, chiều cao khi hành quân và trong trạng thái chiến đấu lần lượt là 2,22m và 3,96m. Kíp chiến đấu có 3 người.
Strela-10 sử dụng khung gầm là xe bọc thép đa dụng MT-LB được lắp động cơ diesel YaMZ-238V có công suất 240 mã lực. Nhờ vậy, xe có thể di chuyển với vận tốc 60 km/h trên địa hình bằng phẳng, với phạm vi hoạt động lên tới 500km.
Ở phiên bản Strela-10M2, các chuyên gia quân sự Liên Xô đã tích hợp thêm tính năng lội nước cho xe, với vận tốc di chuyển trên mặt nước đạt từ 5-6 km/h.
Theo trang Military Today, Strela-10 được trang bị tên lửa đất đối không 9M37 nặng 40kg, dài 2,19m, đường kính 0,12m. Tên lửa sử dụng đầu đạn phân mảnh với trọng lượng 3kg, được dẫn đường bằng hồng ngoại/quang học. Tốc độ tối đa khi bay của 9M37 là 550 m/s, với trần bay và tầm hoạt động lần lượt là 3,5km và 5km.
Theo số liệu được thu thập khi tham gia thực chiến, loại tên lửa này có tỷ lệ bắn trúng tiêm kích đối phương từ 10-50%. Đồng thời, Strela-10 còn được lắp thêm một súng máy cỡ nòng 7,62mm để chống lại bộ binh đối phương.