Chiều 25/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ trì cuộc họp chỉ đạo ứng phó với siêu bão Noru.
Không tàu cá nào chạy nhanh bằng bão Noru
Báo cáo tại cuộc họp, ông Phạm Đức Luận, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, bão rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, có thể gây mưa rất lớn, kéo theo đó là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Cụ thể, đêm 27/9, rạng sáng 28/9, bão đổ bộ vào khu vực miền Trung, dự kiến từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.
Do ảnh hưởng của bão, từ chiều 25/9, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-13, giật cấp 16. Sóng biển cao từ 6-8m, vùng gần tâm bão sóng biển cao từ 8-10m, biển động dữ dội.
“Cơn bão này có tốc độ di chuyển rất nhanh, từ 20-25km/h. Do vậy, không tàu cá nào chạy nhanh bằng bão Noru. Các tỉnh đặc biệt lưu ý kêu gọi các tàu thuyền thoát ra khỏi vùng nguy hiểm", ông Luận lưu ý.
Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, bão Noru được dự báo sẽ là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, tương tự bão cơn bão Xangsane năm 2006, bão Ketsana 2009, từng gây thiệt hại nặng ở các tỉnh Trung bộ.
Ông Thái cho biết, bão Noru đang di chuyển rất nhanh và là cơn bão rất mạnh, có tâm sắc nét, khí áp giảm rất thấp, cấu trúc bão đồng nhất từ mặt đất lên đến độ cao 15 - 17 km. Khi bão vào Biển Đông, vùng biển này thông thoáng, không có dấu hiệu của không khí lạnh hay các hệ thống thời tiết ảnh hưởng có thể làm cường độ bão suy yếu.
Thông tin dự báo về cường độ bão Noru, ông Trần Hồng Thái cho hay, trước khi đổ bộ Philippines, bão đạt cấp 16, giật trên cấp 17 (cấp siêu bão). Dự báo khi vào vùng biển gần bờ nước ta, cường độ bão duy trì ở khoảng cấp 13, ảnh hưởng đến đất liền ở khoảng cấp 12 - cấp 13, giật trên cấp 14.
Từ khoảng chiều và đêm 27/9, các tỉnh thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định được dự báo là khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão Noru.
Trình Thủ tướng lập ban chỉ đạo tiền phương
Phát biểu tại cuộc họp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp nêu kinh nghiệm nếu bão giật từ cấp 13-14, gần như 100% nhà cấp 4 bị tốc mái hoặc sập. Do vậy, các tỉnh thành trong vùng ảnh hưởng của bão phải có phương án sơ tán dân đến khu vực an toàn.
Đến nay, các tỉnh từ Quảng Bình - Bình Thuận đã rà soát phương án sơ tán 868.230 người, trong đó các tỉnh trọng tâm dự kiến bão đổ bộ từ Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi sẵn sàng phương án sơ tán 368.878 người tùy theo diễn biến của bão.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Phó Thủ tướng và các tỉnh thành, căn cứ vào tình hình thực tế xem xét không cho tàu thuyền ra khơi từ sáng mai (ngày 26/9). Với các tàu thuyền còn hoạt động trên biển thì chạy vào bờ, lên vùng biển phía Bắc hoặc xuống vùng biển phía Nam.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đề nghị các địa phương căn cứ vào tình hình mưa bão để xem xét phương án cấm đường. Ông Hiệp gợi ý phương án không cho phương tiện giao thông vào khu vực ảnh hưởng của bão Naro từ Thanh Hoá đến Ninh Thuận. Bởi thực tế, khi mưa bão, tuyến đường quốc lộ và đường sắt ở khu vực này thường bị ngập lụt.
Ngoài ra, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đề nghị các địa phương cân nhắc phương án cấm người dân ra đường trong vòng 24 tiếng, tính từ khi bão chuẩn bị vào đất liền. Căn cứ vào dự báo hướng đi của bão Noru, ông Hiệp đề nghị cấm người dân ra đường từ 15h ngày 27 đến 15h ngày 28/9.
Bên cạnh đó, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai còn đề nghị các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế của bão Noru nên cho học sinh nghỉ học.
Kết luận buổi họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý, Noru là cơn bão mạnh nhất trong 5 năm trở lại đây. “Bão Noru rất mạnh, di chuyển nhanh, cấp 13, giật cấp 16. Do vậy các địa phương không được chủ quan, mất cảnh giác, cần phải di tản dân, kêu gọi tàu thuyền vào nơi an toàn”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các địa phương tạm dừng, hoãn một số các cuộc họp không thực sự cần thiết để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống bão. Phó Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai làm tờ trình Thủ tướng thành lập Ban chỉ đạo tiền phương.
Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cũng thống nhất với đề xuất cấm tàu thuyền ra khơi từ sáng 26/9. Đồng thời các địa phương phải khẩn trương khảo sát các nơi xung yếu, nhà cửa của người dân từ đó tính toán thời điểm, thời gian đưa bà con về nơi tránh trú an toàn khi bão đổ bộ vào đất liền.
"Các địa phương cần chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm đảm bảo thời gian bị chia cắt có thể cung ứng kịp thời cho người dân", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.