Bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ Di truyền Hà Nội - chia sẻ về câu chuyện của chị M.T.L.H (31 tuổi, trú tại Tây Hồ, Hà Nội). Người phụ nữ này sắp xuất cảnh nên cơ quan chức năng yêu cầu phải làm giấy xác nhận huyết thống của vợ chồng chị và em bé sắp chào đời.
Qua người thân giới thiệu, chị H. đã liên hệ với trung tâm phân tích ADN để làm thủ tục xét nghiệm bào thai.
Bà Nga nhớ lại, nửa đêm, người mẹ gọi điện hỏi tư vấn lấy mẫu như thế nào. Sáng sớm hôm sau, chị mang tới mẫu nước ối màu vàng được lấy từ một bệnh viện.
Kết quả xét nghiệm ADN cho thấy thai nhi là con của chồng chị H. nhưng không chung huyết thống với chị. Người phụ nữ này cho rằng kết quả giám định sai. “Tôi đang mang thai chính con của mình, không thể nào khác huyết thống”, chị H. quả quyết.
Bà Nga cũng thấy lạ nhưng máy xét nghiệm chạy qua các quy trình vô cùng chặt chẽ, không thể sai. Khi xem kết quả này, nhân viên tư vấn của trung tâm cũng rà soát lại các khâu xem có nhầm lẫn mẫu bà mẹ nào khác không.
Sau đó, trung tâm đã giữ nguyên kết quả trên. Trong trường hợp này, thai nhi được thụ tinh từ trứng của người khác.
Khi được hỏi, bà bầu này mới nói thật. Chồng chị quốc tịch Pháp. Họ kết hôn được 5 năm nhưng không có con do chị bị suy buồng trứng. Các bác sĩ tư vấn làm thụ tinh trong ống nghiệm bằng cách xin trứng từ bên ngoài. Sau thời gian dài suy nghĩ, cuối cùng chị đồng ý.
Do đó, đứa trẻ được hình thành từ trứng của một phụ nữ khác và chồng chị H. Vì vậy, dù đang mang thai nhưng chị H. không phải là mẹ trên mặt sinh học của đứa trẻ.
Sau khi hiểu ra vấn đề, người phụ nữ này òa khóc, xin trung tâm điều chỉnh kết quả xét nghiệm. Chị H. khẩn cầu xin xóa chữ 'Không phải mẹ con' trên giấy xét nghiệm. "Nếu có chữ này, tôi không thể xuất cảnh được. Bố mẹ chồng ở bên kia đang mong đợi con dâu và cháu”, chị tâm sự.
Thông cảm cho hoàn cảnh của bà mẹ tương lai nhưng bà Nga vẫn từ chối. “Kết quả giả không chỉ ảnh hưởng tới trung tâm mà bản thân người phụ nữ này nếu bị phát hiện cũng bị xếp vào danh sách đen, không bao giờ xuất cảnh được. Tôi khuyên cô ấy nên nói rõ mọi chuyện với gia đình chồng. Hai vợ chồng đều đồng thuận việc xin trứng để hỗ trợ sinh sản, chắc chắn mọi người sẽ thông cảm”, bà Nga cho biết. Nhìn theo bóng lưng người mẹ trẻ, các nhân viên của trung tâm đều hy vọng vợ chồng chị H. có biện pháp giải quyết hài hòa.
Với các kỹ thuật hiện đại ngày nay, mọi người hoàn toàn có thể thực hiện giám định huyết thống trong quá trình mang thai. Xét nghiệm ADN có thể thực hiện từ khi thai nhi 7 tuần tuổi. Lúc đó, nồng độ ADN tự do (hay còn gọi là cfDNA) giải phóng vào máu mẹ đạt đủ lượng để tiến hành xét nghiệm. Phương pháp xét nghiệm xâm lấn sử dụng mẫu nước ối hoặc tế bào nhau để thực hiện phân tích. Trong đó, mẫu nước ối sẽ được sử dụng nhiều hơn.