Joyce Ares vừa sang tuổi 74, không có triệu chứng bất ổn khi đồng ý lấy mẫu máu để nghiên cứu. Vì vậy, bà rất ngạc nhiên khi xét nghiệm sàng lọc cho kết quả dương tính với ung thư.
Sau khi làm lại xét nghiệm máu, chụp cắt lớp và sinh thiết, bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư hạch Hodgkin.
Cư dân của thành phố Canby (bang Oregon, Mỹ) đã tình nguyện thực hiện một xét nghiệm máu để tầm soát ung thư cho những người khỏe mạnh.
Các xét nghiệm máu như vậy, được gọi là sinh thiết lỏng, đã được sử dụng ở những bệnh nhân ung thư để điều chỉnh phương pháp chữa trị và kiểm tra xem các khối u có quay trở lại hay không.
Giờ đây, một công ty quảng cáo xét nghiệm máu cho những người không có dấu hiệu ung thư để phát hiện các khối u trong tuyến tụy, buồng trứng và các vị trí khác không có phương pháp sàng lọc.
Các nhà khoa học của Chính phủ Mỹ đang lên kế hoạch cho một cuộc thử nghiệm lớn - có thể kéo dài 7 năm và với 200.000 người tham gia - để xem liệu các xét nghiệm máu đáp ứng được cam kết về việc phát hiện sớm nhiều bệnh ung thư hay không.
Lịch sử tầm soát ung thư cho thấy chúng ta cần thận trọng. Năm 2004, Nhật Bản đã ngừng việc tầm soát ung thư ở trẻ em sau khi các nghiên cứu phát hiện ra việc này không hiệu quả. Năm ngoái, một nghiên cứu kéo dài 16 năm trên 200.000 phụ nữ ở Vương quốc Anh cho thấy việc tầm soát ung thư buồng trứng thường xuyên không tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào về số ca tử vong.
Và việc sàng lọc có thể gây hại nhiều hơn lợi. Lo lắng vì dương tính giả. Chi phí không cần thiết.
Tuy nhiên, các xét nghiệm máu mới tìm kiếm nhiều bệnh ung thư cùng một lúc. Trong khi đó, chụp nhũ ảnh, xét nghiệm PAP, nội soi đại tràng chỉ tìm được một loại ung thư nhất định.
Tiến sĩ Tomasz Beer của Đại học Khoa học & Sức khỏe Oregon đã dẫn đầu cuộc nghiên cứu do Joyce Ares tham gia vào năm 2020. Sau một mùa đông khổ sở vì hóa trị và xạ trị, bà được thông báo ca điều trị đã thành công.
Trường hợp của bà không phải ngoại lệ theo Tiến sĩ Beer, đó là kết quả lý tưởng và không phải ai cũng sẽ có được điều đó.
An Yên (Theo AP)