Ngày 17/3, phiên tòa xét xử “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành và 25 bị cáo trong vụ "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" và "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng" xảy ra tại Ngân hàng Đại chúng (PVCombank), Ngân hàng Quốc dân (NCB) và Ngân hàng Việt Á (VAB) tiếp tục với phần tranh luận.
Trong vụ án này, riêng tại VAB, có 4 cán bộ ngân hàng gồm Nguyễn Thị Thu Hương (chuyên viên quan hệ khách hàng Phòng khách hàng doanh nghiệp), Quản Trọng Đức (cựu giám đốc chi nhánh), Nguyễn Mai Phương (kiểm soát viên), Đặng Thị Quỳnh Hương (cựu Trưởng phòng khách hàng cá nhân phòng giao dịch Đông Đô) bị cáo buộc đồng phạm với “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Riêng bị cáo Đặng Thị Quỳnh Hương còn bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".
Theo cáo buộc, bà Quỳnh Hương đã ký trên tờ trình thẩm định đề xuất cấp tín dụng ở mục Cấp kiểm soát đề xuất cấp tín dụng quy định, nhưng đã không thực hiện đúng quy trình thẩm định; không thẩm định người có tài sản đảm bảo để đảm bảo có đồng ý để Hà Thành hoặc người của bà Thành dùng sổ tiết kiệm làm tài sản đảm bảo để đảm bảo cho khoản vay hay không…
Hành vi của bị cáo dẫn đến việc các trung tâm phê duyệt cấp tín dụng đối với 8 khoản vay, tổng số tiền 161 tỷ đồng. 8 khoản cho vay này thuộc trường hợp cấp tín dụng không có bảo đảm, vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện cấp tín dụng. Hậu quả, Ngân hàng VAB bị thiệt hại số tiền 141 tỷ đồng.
Bị truy tố nội dung trên, bị cáo Quỳnh Hương kêu oan, đề nghị điều tra bổ sung tội danh của mình vì cho rằng: "Lừa đảo phải bàn bạc, nhưng bị cáo thì không".
Trước khi diễn ra phiên tòa, chồng của bà Quỳnh Hương có đơn đề nghị và kêu cứu khẩn cấp. Trong đơn, chồng bị cáo cho rằng vợ mình không có hành vi vi phạm pháp luật, không đồng phạm với Nguyễn Thị Hà Thành để lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cũng không vi phạm quy định, quy trình của Ngân hàng VAB, gây thiệt hại tới ngân hàng.
Người chồng trình bày trong đơn: Bị cáo Đặng Thị Quỳnh Hương không có bất cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn nào trong quy trình “Cho vay cầm cố số dư tiền gửi”, không có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn trong việc quản lý các nhân viên quầy giao dịch.
Do đó, bị cáo không phải chịu trách nhiệm cho những sai phạm của các nhân viên quầy giao dịch khi họ trực tiếp tham gia vào quá trình thẩm định hồ sơ, gặp gỡ làm việc trực tiếp với khách hàng và giải ngân khoản vay.
Ngoài ra, Ngân hàng VAB cũng không thể vô can trong sự việc này khi ra các quyết định chồng chéo mâu thuẫn không rõ ràng ở 2 quyết định 1760 và 588, dẫn đến việc áp dụng quy trình của các nhân viên bị lúng túng và không thể tránh được sai sót.
Bào chữa cho bị cáo Quỳnh Hương, luật sư viện dẫn các quy định nội bộ của VAB để chứng minh rằng bà Quỳnh Hương không hề có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn can thiệp vào nghiệp vụ cho vay cầm cố số dư tiền gửi của quầy giao dịch.
Luật sư đề nghị điều tra, xác minh việc báo cáo của VAB tới NHNN và việc phê duyệt của NHNN (nếu có) đối với các quy trình, nghiệp vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật của VAB…, để từ đó làm rõ được bị cáo Đặng Thị Quỳnh Hương có hành vi vi phạm pháp luật hình sự hay không?
Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành được xác định là chủ mưu, bị đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên án tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Được quyền trình bày quan điểm của mình, bà Thành đồng ý về tội danh, xin tòa giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo trình bày: "Trong thời gian tạm giam 5 năm, bị cáo đã nhận thức sai lầm của mình. Khi phạm tội, bị cáo có một bé gái bị bệnh nên mong được sớm trở về chăm sóc cháu".