Hủy bản án tiến sỹ 'dạy học làm giàu' để điều tra lại
Để giải quyết triệt để, khách quan vụ án, tránh bỏ lọt tội phạm, cấp phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Trước đó, hồi tháng 5/2018, TAND TP Hà Nội từng đưa ông Phạm Thanh Hải ra xét xử tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với cáo buộc lừa 508 bị hại số tiền hơn 400 tỷ đồng.
Tại phiên tòa đó, nhiều người được triệu tập đến tòa với tư cách người bị hại đã không nhận họ là bị hại và cho rằng Phạm Thanh Hải không lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đến tháng 5/2019, TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa bị cáo Hải ra xét xử phúc thẩm. Khi đó, HĐXX cấp phúc thẩm đã quyết định hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Theo HĐXX cấp phúc thẩm, những người bị hại có mặt tại tòa không yêu cầu bị cáo trả lại tài sản, song tòa án sơ thẩm vẫn buộc bị cáo phải hoàn trả tiền cho những người này là trái với nguyên tắc tự định đoạt của các đương sự.
Tòa sơ thẩm xác định, thông qua trang mạng Học làm giàu, hội thảo, bài viết, bị cáo Hải giới thiệu mình là tiến sĩ có nhiều năm kinh nghiệm để gian dối, chiếm đoạt tiền của các bị hại. Tòa án cấp phúc thẩm nhận định, cần phải giám định tính đúng đắn của những nội dung này.
Cáo trạng lần này thể hiện, năm 2007, ông Hải thành lập Công ty IDT nhưng không có hiệu quả. Do cần tiền để chi phí và phục vụ mục đích cá nhân, năm 2008, bị cáo tổ chức các cuộc hội thảo, lập trang “Học làm giàu”, giới thiệu mình là tiến sĩ, có tài đầu tư, kinh doanh. Còn Công ty IDT triển khai các dự án có lãi suất cao, làm giàu từ cây macca nhằm thu hút nhà đầu tư.
Để chứng minh tính khả thi các dự án, ông Hải đưa ra các hợp đồng với lãi suất cao (từ 40-50%/năm), cắt lãi ngay khi nộp tiền. Đồng thời, nhà đầu tư được khuyến khích mở rộng mạng lưới với tiền thưởng kết nối từ 2-10% cho mỗi hợp đồng.
Từ tháng 10/2014 – 10/2015, ông Hải huy động hơn 2.725 tỷ đồng. Số tiền thu được, bị cáo không quản lý thu, chi theo sổ sách. Đến khi các khoản tiền gốc, lãi, chi phí “phình lên”, ông Hải mất khả năng thanh toán.
Cáo buộc cho rằng, ông Hải đã chi lãi hơn 1.198 tỷ đồng, chi thưởng hơn 40 tỷ đồng; chi phí hội thảo, văn phòng… hơn 55 tỷ đồng. Đặc biệt, bị cáo góp vốn đầu tư vào các dự án của 9 công ty gần 99 tỷ đồng và cho vay cá nhân 38,4 tỷ đồng.
Số tiền mặt thu giữ trong két công ty chỉ có gần 760 triệu đồng. Còn các khoản tiền gửi của ông Hải và một số nhân viên kế toán là hơn 116 tỷ đồng.
Theo cáo buộc, quá trình kêu gọi đầu tư, ông Hải nhận thức được các dự án chưa thể phát sinh lãi suất, nhưng do phải trả tiền gốc, lãi đến hạn quá lớn nên buộc phải huy động để lấy tiền người sau trả cho người trước.
Cơ quan điều tra đã ghi lời khai của 574 bị hại, trong đó có 294 người yêu cầu bồi thường. Có nhiều trường hợp từ chối đến làm việc, hoặc có người đã mất, chuyển nơi công tác… Cơ quan tố tụng xác định, số tiền Hải chiếm đoạt là hơn 576 tỷ đồng.
Với 2.000 cá nhân chưa đến làm việc, CQĐT tách tài liệu để làm rõ sau. Phiên tòa hôm nay đã phải tạm hoãn do vắng mặt nhiều bị hại và người liên quan.
Để giải quyết triệt để, khách quan vụ án, tránh bỏ lọt tội phạm, cấp phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại.